Hàng không chịu nhiều thiệt hại khi khách gây mất an toàn bay

Tại tọa đàm về “Văn hóa an toàn hàng không” chiều 21/1 tại TP HCM, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho hay, năm 2014, tuy không xảy ra vụ tai nạn hàng không nào song tổng số sự cố tăng mạnh so với năm 2013, ảnh hưởng nhiều đến an toàn bay. Nguyên nhân gây mất an toàn nhiều nhất đều do con người. Không chỉ đội ngũ nhân viên còn thiếu chuyên nghiệp mà văn hóa của hành khách tham gia cũng chưa được truyền thông rộng rãi.

Theo báo cáo của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), hiện có 6 hành vi gây mất an toàn bay thường gặp là : hút thuốc trên tàu bay, lấy áo phao, tung tin có bom, mở cửa thoát hiểm, mang vũ khí vật phẩm nguy hiểm, sử dụng giấy tờ giả. Trong những hành vi trên, năm 2014, tung tin có bom tăng 7 vụ, còn mang vũ khí vật phẩm nguy hiểm tăng 34 vụ so với 2013. Đây cũng là những hành vi có dấu hiệu gia tăng mạnh nhất và gây thiệt hại không nhỏ cho các hãng hàng không.

may-bay-9949-1421850122.jpg

Số lượng các vụ tung tin có bom trên máy bay tăng mạnh. Ảnh: XH.

Là đơn vị chịu khá nhiều ảnh hưởng từ những hành vi gây mất an toàn bay trên, ông Phạm Chí Cường, Trưởng ban an ninh an toàn Vietnam Airlines cho biết, năm nay măc dù một số vụ vụ uy hiếm an toàn bay không gia tăng nhưng cũng gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp. Điển hình như, vụ việc hành khách giật cửa thoát chỉ tính sơ bộ hãng đã tổn thất 300 triệu đồng, ngoài ra, còn chưa kể tới ảnh hưởng dây chuyền tới các chuyến bay khác và hành khách.

Đối với những loại máy bay thân lớn, có phao trượt như A320/321, Boeing 777, sau mỗi lần phải bung cửa thoát hiểm, hãng hàng không đều phải đổi phương tiện khai thác để cuộn lại cửa. Hoặc, trong trường hợp cấp bách hãng buộc phải gấp vội nên toàn bộ mấy hàng ghế phía sau buộc phải để trống. Như vậy, ngoài việc mất tiền oan thì hãng còn phải bồi thường, bố trí khách sạn, phục vụ ăn uống và chuyến bay mới cho khách…

Cũng chịu thiệt hại nhiều từ các hành vi gây mất an toàn bay, đại diện Jetstar Pacific cho biết, 2014, hãnh có tới 29 vụ hành khách hút thuốc trên tàu bay, 17 vụ quấy rối tại quầy thủ tục và trên tàu bay, 11 vụ còn lại là do các hành vi mất an toàn khác. “Sự việt trên không những làm hãng thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng về uy tín”, đại diện đơn vị này nói.

Do vậy, hãng này đề nghị với Cục Hành không và Bộ Giao thông Vận tải, ngoài việc hãng phải lập biên bản đối với hành khách thì nên công bố hình thức xử phạt cũng như biện pháp xử lý sau đó để hành khách khác có thể rút kinh nghiệm và hãng cũng xử lý sự cố tốt hơn. Ngoài ra, nhà chức trách nên phối hợp với các cơ  chức quan liên quan tăng cường các bảng biểu tuyên truyền an ninh, an toàn tại các khu vực công cộng…

Còn theo chuyên gia Lương Hoài Nam, để văn hóa an toàn hàng không được cải thiện, các hãng cũng như cơ quan liên quan cần nâng cao chất lượng tuyển dụng nhân viên, tăng cường chất lượng đào tạo chuyên môn, hiện đại hóa các hệ thống kiểm soát nhân viên hàng không và hành khách. Ngoài ra, các đơn vị trên cần đặt biển cảnh báo “Cấm” trên máy bay và tại sân bay, đồng thời, ghi kèm mức xử phạt tiền.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2014, toàn ngành có trên 400 vụ việc được báo cáo. Trong đó, có 91 sự cố (phân loại theo mức B, C, và D). Cụ thể, mức D là 61 sự cố; Mức C là 8 sự cố; Mức B là 3 sự cố. Số lượng sự cố, vụ việc được báo cáo trong năm 2014 có sự gia tăng mạnh so với năm 2013, đặc biệt là các sự cố Mức B, D tăng mạnh lần lượt ở mức 200% và 207%. 

Hồng Châu

Để lại một bình luận

0913.756.339