mPOS – thanh toán thẻ không cần tiền mặt

Trên thế giới, xu hướng sử dụng mPOS (thanh toán bằng thẻ qua thiết bị di động) đã trở nên phổ biến. Nó tạo ra sự thuận lợi cho cả người bán và người mua, hạn chế việc dùng tiền mặt trong các giao dịch. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, đến thời điểm này, thanh toán không dùng tiền mặt của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hằng ngày. Tính riêng từ năm 2011 đến 2012, số lượng của các điểm thanh toán mPOS được vận hành trên toàn thế giới tăng 111%, từ 4,5 triệu tới 9,5 triệu điểm, dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên mức 38 triệu điểm vào năm 2017. Tại châu Á, hình thức thanh toán qua thiết bị di động đã được áp dụng phổ biến ở HànQuốc, Nhật Bản. Ngay cả những cửa hàng ăn uống nhỏ ở thủ đô Seoul, Tokyo khách hàng có thẻ dễ dàng “quẹt thẻ” trên chiếc điện thoại di động.

Cùng với việc bùng nổ các thiết bị di động, thương mại điện tử cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho hình thức thanh toán mPOS phát triển mạnh. Theo nghiên cứu của tổ chức Moody’s Analytics, chỉ trong giai đoạn từ 2008 đến 2012, các sản phẩm thanh toán điện tử tại Việt Nam đã đóng góp 1,2 tỷ USD (tương đương 25.000 tỷ đồng) cho GDP và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng trưởng.

Đại diện ngân hàng cổ phần thương mại Tiên Phong (TPBank) cho biết: “Việt Nam có lợi thế về hạ tầng điện thoại, đặc biệt là điện thoại thông minh và Internet phát triển so với các nước trong khu vực. Wi-Fi phổ biến và được phủ sóng khắp nơi. Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường GFK, từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013 cho thấy số lượng người dùng smartphone chiếm gần 20% dân số. Trong đó, 41% người tiêu dùng sử dụng smartphone để mua sắm sản phẩm. Đây sẽ là nền tảng thuận lợi để đưa ra các giải pháp thanh toán điện tử”.

Với sự phổ biến mạnh mẽ của thiết bị di động, xu hướng mPOS có thể sẽ “vượt mặt” POS.

Nhiều chủ trương, chính sách của Chính phủ hướng đến xã hội thanh toán không tiền mặt đã đặt mPOS vào xu thế phát triển mới. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015. Mục tiêu cụ thể là đến cuối năm 2015, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 11% và tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân có tài khoản tại ngân hàng lên mức 35 – 40% dân số.

Cho đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng Việt Nam đã triển khai mPOS, đem lại tối đa lợi ích cho khách hàng. Những dịch vụ mPOS của Sacombank, Techcombank… và đặc biệt là TPBank đã nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng. Anh Nguyễn Tuấn, Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ thiết bị điện tử đang sử dụng dịch vụ mPOS của TPBank cho hay: “Thay vì sử dụng những thiết bị POS cồng kềnh, chỉ với mPOS, chúng tôi có thể giao dịch ở bất cứ địa điểm nào, vừa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp lại mang đến cho khách hàng sự tiện lợi, nhanh chóng”.

Một chuyên gia IT trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho biết: “Với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, ngân hàng nào sử dụng công nghệ hiện đại, phù hợp sẽ giành lợi thế không nhỏ trên thị trường mPOS vốn được đánh giá là tiềm năng nhưng cũng đầy sự cạnh tranh này”.

Tuy không phải là ngân hàng đầu tiên đưa ra dịch vụ mPOS đến khách hàng, tuy nhiên công nghệ mà TPBank áp dụng được các chuyên gia bảo mật đánh giá cao. Đại diện ngân hàng chia sẻ, những thiết bị TPBank mPOS đều đạt tiêu chuẩn bảo mật quốc tế như PCI DTS, EMVL1, EMV L2. Thông tin thẻ khi qua thiết bị sẽ được bảo mật bằng hình thức mã hóa ngay từ thiết bị đọc thẻ và chỉ được giải mã ở cổng thanh toán nằm ở máy chủ đặt tại TPBank. TPBank mPOS giúp thông tin không thể bị lộ khi thực hiện thanh toán.

TPBank mPOS tận dụng được nền tảng của điện thoại thông minh, giúp các thao tác thanh toán giao dịch hàng hóa, quản lý hóa đơn, công nợ dễ dàng hơn.

Đặc biệt, thuật toán mã hóa được sử dụng là Triple DES với Double-length key, an toàn và được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng. Thuật toán quản lý key mã hóa (Key Management) được sử dụng là Derived Unique Key Per Transaction (DUKPT). Thuật toán này cho phép tạo key ngẫu nhiên không thể đảo ngược, riêng biệt cho từng lần quẹt thẻ và từng thiết bị đọc thẻ khác nhau.

Ứng dụng TPBank mPOS chỉ đóng vai trò thực hiện gửi, nhận thông tin giao dịch thanh toán cho ngân hàng và không lưu giữ thông tin thẻ, khách hàng, thông tin giao dịch thanh toán trên thiết bị điện thoại di động, đáp ứng tối đa nhu cầu bảo mật từ phía người sử dụng.

Một vấn đề nữa khiến người dùng còn phân vân với dịch vụ mPOS tại Việt Nam là tình trạng nghẽn, tắc mạng viễn thông dẫn đến khó thanh toán. TPBank mPOS đã tận dụng được nền tảng của điện thoại thông minh, giúp các thao tác thanh toán giao dịch hàng hóa, quản lý hóa đơn, công nợ dễ dàng hơn. Sự cố đường truyền mạng, hạn chế không gian chật hẹp cũng được khắc phục so với các hình thức chấp nhận thanh toán thẻ khác. Nhờ tận dụng công nghệ, người dùng chỉ cần một thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android hoặc iOS có kết nối Internet và cài đặt ứng dụng TPBank mPOS là có thể tận hưởng những dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam.

(Nguồn: TPBank)

Để lại một bình luận

0913.756.339