Việt Hân trở lại: “Lợi hại” hơn xưa?

Giai đoạn 2010 – 2012 chứng kiến cơn lốc đầu tư dự án BĐS nghỉ dưỡng ở các khu vệ tinh phía Tây Hà Nội. Các địa bàn trọng điểm bao gồm Lương Sơn, Ba Vì, Sóc Sơn, thậm chí lan tới cả Phú Thọ gần kề Thủ đô.

Lần lượt những anh tài như ArchiLand, Hùng Vương, Hồng Hạc Đại Lải, Vinaconex ITC, FLC (khởi động FLC Golf & Resort ở hồ Cẩm Quỳ sau khi sáp nhập FLC Land vào Công ty CP Tập đoàn FLC), Hà Đô (DN thuộc Bộ Quốc Phòng) với dự án nghỉ dưỡng 1.500ha ở Thanh Thủy (Phú Thọ).

Phát súng từ quá khứ

Nhanh chân không kém, đầu năm 2010, Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo, Xây dựng địa ốc Việt Hân (Việt Hân) “kịp” xí 1 dự án quy mô quốc tế (2.062ha) tại Tam Nông – huyện “thuần nông” ở Phú Thọ. 4 năm trôi qua, đại dự án trị giá 1,5 tỷ USD với đủ quy hoạch chi tiết, thông số “trong mơ” (DreamCity) thuộc sở hữu của đại gia Đinh Trường Chinh vẫn nằm yên trên bản vẽ.

Tháng 1/2010, Việt Hân được Tỉnh ủy Phú Thọ cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Ít lâu sau đó, chủ đầu tư và giới chức sở tại hoành tráng công bố quy hoạch 1/2.000 với đủ hạng mục mang màu sắc “quý tộc”, như trường đua ngựa, sân golf 36 lỗ, resort, casino, biệt thự cao cấp…

Ý nghĩa của tên dự án cũng đủ khiến người dân Tam Nông thắp lên mơ ước về sự lột xác ở vùng quê nghèo. Công bố quy hoạch, đủ giấy tờ, kèm phát biểu “có cánh” của lãnh đạo Việt Hân, chừng đó đã đủ cho thị trường đầu tư nghỉ dưỡng náo nhiệt cả năm 2011.

Và bắt đầu từ 2012, những nghi ngờ về thực lực của chủ đầu tư đã được báo giới, chuyên gia đầu ngành xới lên… rồi tất cả lại chìm vào biển thông tin, công trường dự án (chiếm 1/7 diện tích huyện) vẫn là cánh đồng hoang phế.

Người dân hồ hởi ủng hộ, chính quyền huyện tích cực kiểm kê đất, lập phương án GPMB, nhà đầu tư khắp nơi “hò nhau” về Phú Thọ rót tiền giữ suất… Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đủ cả. Nhưng chủ đầu tư vẫn… “án binh bất động”.

Việt Hân đang trở lại sau 4 năm “đặt gạch” ở khu đất 12, 17ha, số 136 Hồ Tùng Mậu

Cực chẳng đã, chính quyền sở tại hiện cho phép người dân được canh tác, xây dựng, mua bán đất đai như… chưa từng có dự án. Nếu dự án làm đến đâu, thì kiểm đếm, GPMB bồi thường đến đó.

“Tội” của Việt Hân ở vùng đất này lớn lắm – ông Minh, một “người con” của đất Tam Nông chua chát nói. Ở góc nhìn đầu tư, dự án mà Việt Hân nắm giữ hiện tại không nhiều, nhưng “xắt ra miếng”.

Qua những dự án quy mô mang tên “ngoại” (cả về quy hoạch, mức đầu tư lẫn tai tiếng – PV), Việt Hân xuất hiện ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Thọ và Hà Nội. Tại Thủ đô, DN này đang trở lại sau 4 năm “đặt gạch” ở khu đất 12, 17ha (136 Hồ Tùng Mậu).

Ngóng “phép màu”

Khu vực cửa ngõ phía Tây Hà thành thời 2010 so với hiện tại khác nhau lắm. Thuở xưa, đường Hồ Tùng Mậu nổi tiếng với nạn tắc đường, ô nhiễm bụi khói xe và vô số ổ trâu, ổ voi.

Đương nhiên, những DN xin dự án tại địa bàn có đường 32 đi qua (gần đây mới cơ bản hoàn thiện) chẳng nhiều nhặn gì. Tuy nhiên, “tân binh” Việt Hân (thành lập từ 2006) đã “nhìn xa trông rộng” và mau mắn xúc tiến dự án Castle Plaza tại 136 Hồ Tùng Mậu (huyện Từ Liêm cũ).

Theo đó, một tổ hợp nhà ở – văn phòng – dịch vụ cao cấp hoành tráng dự kiến sẽ “mọc” lên trọn vẹn vào cuối năm 2013, sau khi động thổ vào tháng 4/2010. Đến nay, trạng thái dự án không có dấu hiệu của một công trường xây dựng, sau gần 4 năm công khai bản quy hoạch chi tiết 1/500.

Bề nổi, Công ty Việt Hân được cộng đồng chú ý phần nhiều qua mối liên hệ giữa đại gia Đinh Trường Chinh và Hoa hậu Diễm Hương. Có lẽ bởi yếu tố này, ông Chinh đã gián tiếp “giải thích” cho dư luận về tình trạng chậm tiến độ của nhiều dự án đơn vị mình nắm giữ.

“Sau năm 2011, kinh tế khó khăn, tôi phải co bóp lại, chứ BĐS không bán được và lo tập trung làm ăn, chứ không phải chơi bời như người khác”. Như vậy, nguyên nhân của trạng thái “co bóp lại” chính là kinh tế khó khăn. Điều này trùng khớp với biểu đồ phát triển của nền kinh tế vĩ mô – một lý do “bất khả kháng”.

Theo hệ quy chiếu ấy, cơ quan chức năng liệu có đành lòng thu hồi dự án, gia tăng sắc thuế với những DN ôm đất vàng rồi bỏ hoang dài dài như Việt Hân?

Trung tuần tháng 12, Việt Hân bỗng tái xuất bằng thông tin báo giới công khai về sự góp mặt của nhiều đối tác “nhảy vào” dự án Goldmark City (tên gọi mới của Castle Plaza?).

Qua đó, mới hay dự án của DN này đã có thêm nhiều “bà đỡ” mát tay với đủ vai trò: TNR Holdings Việt Nam độc quyền quản lý, điều hành, phát triển dự án cùng Việt Hân; Delta và Cotecon lo thi công xây dựng; MaritimeBank “giúp” tín dụng hỗ trợ khách hàng và Siêu thị dự án đảm trách “khâu phân phối bán hàng”.

Trong liên minh 4 nhà, nhà băng luôn được chú ý nhất. Trong sự kiện đình đám sắp diễn ra ở KS Daewoo, MaritimeBank, theo tin tức trên các tờ báo chính thống, chỉ xuất hiện như một đối tác ký kết, hoặc có chăng là đầu mối hỗ trợ cho vay khách hàng từ 70 – 95% giá trị căn hộ, cùng lãi suất đặc biệt 4,99%/năm, trong thời hạn 20 năm.

Website chính thức của dự án (goldmarkcity.com) còn nêu chi tiết hơn: “MaritimeBank sẽ là ngân hàng bảo trợ vốn trong quá trình xây dựng và phát triển dự án. Đồng thời cũng chính là ngân hàng hỗ trợ khách hàng vay vốn mua căn hộ…”

Vậy, đâu mới là vai trò thực của ngân hàng? “Bảo trợ vốn cho xây dựng dự án” và “hỗ trợ cho khách hàng vay”, là hai “động tác” khác nhau hoàn toàn.

Còn chuyện về đích của dự án, giả như có nhà băng chống lưng, thì ai dám chắc khi mà Việt Hân mới đây còn bị Thuế vụ Hà Nội “bêu tên” nợ tiền sử dụng đất tới 213 tỷ đồng?!

Nguyễn Cảnh (Thời báo Kinh Doanh)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Trả lời

0913.756.339