Phó thủ tướng: ‘Buông lỏng chống hàng giả đi liền với tham nhũng, tiêu cực’

Tại Lễ kỷ niệm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái” diễn ra sáng 28/11, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái là “quốc nạn”, cần phải có cách làm mới. Ngay cả việc kỷ niệm cũng nên tổ chức tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống để người dân có điều kiện nâng cao ý thức.

Theo Phó thủ tướng, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đang đối mặt với hàng giả, hàng nhái nhưng tại Việt Nam vấn đề này ngày càng trầm trọng với nhiều chủng loại mặt hàng. Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh cũng như uy tín của quốc gia, nghiêm trọng hơn, nhiều sản phẩm làm nhái nguy hại trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như thuốc tân dược, đồ ăn, thức uống…

ptt-7986-1417159682.jpg

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một bộ phận cán bộ trong lực lượng chức năng đang làm ngơ tiếp tay cho các đơn vị làm hàng giả.

Điểm lại các nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái không giảm, Phó thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng. Theo đó, một bộ phận cán bộ trong ngành làm ngơ tiếp tay cho doanh nghiệp làm hàng giả. Nhiều trường hợp tố giác, không ít cán bộ, lãnh đạo xử lý không hết trách nhiệm. “Buông lỏng chống hàng giả, hàng nhái đi liền với tham nhũng, tiêu cực”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nhận định cuộc chiến chống vấn nạn hàng giả sẽ kéo dài, Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan ban ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn, đồng thời liên kết với lực lượng quốc tế nhằm ngăn chặn hàng ngoại chất lượng kém xâm nhập thị trường trong nước. Ngoài việc đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao ý thức người dân, để cải thiện tình hình Bộ Công Thương phải chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng trong nước tốt hơn cả về chất lượng, mẫu mã, giá cả. 

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tôn Hoa Sen cho biết mỗi năm tập đoàn của ông nộp ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng. Nhưng hàng nhái thương hiệu tôn Hoa Sen vẫn ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến thị phần lẫn doanh thu của doanh nghiệp. 

h2-4565-1417171532.jpg

Tôn thép giả gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.

“Nếu không xử lý triệt để thực trạng trên, các doanh nghiệp làm ăn chân chính không còn đất sống, chỉ còn biết đóng cửa, dẫn đến số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước sẽ giảm”, ông Vũ lo ngại.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 10 tháng năm nay lực lượng quản lý thị trường tiến hành gần 120.000 lượt kiểm tra hàng hóa tại các địa phương, tăng gần 10.000 lượt so với năm ngoái, trong đó xử lý  64.000 trường hợp vi phạm, tăng 12,3% so với cùng kỳ; xử phạt hành chính hơn 187 tỷ đồng, trị giá hàng hóa thu giữ chưa bán tăng 140 tỷ đồng.

Thành Tâm

Trả lời

0913.756.339