Adidas và Puma – cuộc chiến trong thị trấn nhỏ

Đây là quê hương của hai hãng sản xuất đồ thể thao nổi tiếng – Adidas và Puma. Đã gần 70 năm nay, người dân phía nam dòng sông diện đồ với logo 3 sọc của Adidas, kết bạn với những người cũng mặc đồ Adidas và mua sắm ở những cửa hàng thực phẩm nơi không một ai mặc đồ Puma dám bén mảng tới.

Ở phía bắc dòng sông, lòng trung thành dành cho Puma. Herzogenaurach được gọi là “Thành phố cổ cong”, bởi ai cũng hướng cái nhìn đầu tiên vào giày của đối phương.

puma-1-3778-1421145458.jpg

Thị trấn Herzogenaurach là nơi sinh ra cả Puma và Adidas. Ảnh: WSJ

Không ai biết chính xác chuyện gì đã xảy ra giữa hai anh em Adolf và Rudolf Dassler sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Có người nói nó xuất phát từ một cuộc cãi lộn trong hầm tránh bom.

Nhưng dù có là chuyện gì đi chăng nữa, nó cũng đã làm việc kinh doanh của gia đình bị tách làm hai, và cũng đồng thời phân đôi cả thị trấn. Cho đến hôm nay, thị trưởng German Hacker vẫn phải đảm bảo sự cân bằng giữa hai thương hiệu trong tủ giày của mình.

Khi Frank Dassler – cháu trai Rudolf (nhà sáng lập Puma) gia nhập Adidas một thập kỷ trước, ông đã phải chịu sự ghẻ lạnh của những đồng nghiệp cũ. “Người ta nói ông nội của tôi sẽ phải đội mồ sống dậy nếu biết tin”, ông chia sẻ trên Wall Street Journal.

puma-2-9760-1421145459.jpg

Frank Dassler đang làm việc cho Adidas. Ảnh: WSJ

Herzogenaurach không có một ga tàu hỏa nào nhưng lại có tới 2 đội bóng. Đội ASV mặc đồ Adidas và đội FC xài đồ của Puma. Nhiều năm qua, họ cạnh tranh gay gắt không chỉ vì thể thao, mà còn bởi hai thương hiệu này.

Nhưng giờ đây, điều đó đang dần thay đổi, làm dấy lên tia hi vọng về sự hòa bình. Hè năm ngoái, người dân Herzogenaurach và huấn luyện viên của đội FC – Ralph Kittler đã không khỏi bất ngờ trước chỉ thị từ cấp trên: Yêu cầu các bậc phụ huynh để hai đội bóng luyện tập cùng nhau.

Kittler từng chơi cho đội Puma những năm 80 và nhớ như in “mối thù truyền kiếp” giữa hai đội bóng. Cùng luyện tập là điều không tưởng và ông cảm thấy sợ hãi khi nghĩ tới viễn cảnh phải thực thi chỉ thị vào năm 2014. “Tôi e là phụ huynh cả hai bên sẽ phản đối”, ông Kittler cho biết, “Đồng phục là cả một vấn đề lớn. Puma hay Adidas? Ôi trời, sẽ rắc rối to nếu như chỉ chọn một”.

Một vài người dân địa phương vẫn không muốn thỏa hiệp. Helmut Fischer – một cựu nhân viên Puma cho biết bạn bè ông thừa thông minh để không mang đồ có biểu tượng ba sọc khi đang ở gần ông. Cựu giám đốc marketing của Puma này đã 65 tuổi, có 3 hình xăm chân báo ở lưng và một hình xăm ở chân trái. Ông thậm chí còn xăm cả nhãn quần áo của Puma lên cổ. “Tôi chắc chắn sẽ gắn bó với nơi này suốt đời”, ông khẳng định.

puma-3-7097-1421145460.jpg

Helmut Fischer còn xăm vết chân báo. Ảnh: WSJ

Mỗi buổi sáng, trong trang phục Puma từ đầu tới chân, ông Fischer thường đi dạo vòng quanh thị trấn và cất tiếng chào với hầu hết những người mình gặp. Và ông luôn nhìn vào giày của họ trước tiên. “Tôi không bỏ được thói quen này”, ông nói.

Fischer kể một câu chuyện chẳng khác nào tiểu thuyết của Shakespeare. Một nhân viên Adidas yêu con gái một giám đốc điều hành cấp cao của Puma. Anh phải đứng giữa hai sự lựa chọn: tình yêu và công việc. Cuối cùng, anh ta đã nghe theo tiếng gọi của trái tim và cả chàng trai lẫn bố mình sau đó đều chuyển tới làm việc cho Puma.

Người bố rất khó chịu vì chuyện này. “Đó không đơn thuần chỉ là đổi chỗ làm. Bạn không thể đánh đổi cả trái tim mình được”, Fischer thở dài.

Trong ngôi nhà thời thơ ấu của Frank Dassler – cháu trai Rudolf, khách đến nhà mà mang giày Adidas thì đều ngay lập tức phải đổi sang giày Puma. “Tôi lớn lên trong một gia đình mà tuyệt đối không cho phép sự hiện hữu của biểu tượng 3 sọc”, Dassler nhớ lại.

Khi nhận được lời mời từ Adidas, ông chưa từng nói chuyện với bất cứ người anh em họ xa nào ở phía bên kia dòng sông. Bác họ của ông từ phía Adidas còn từng gọi ông với danh xưng mà thường chỉ dùng cho người xa lạ. “Dĩ nhiên là quyết định của tôi đã gây chấn động,” ông nói về sự lựa chọn của mình.

Giám đốc điều hành Puma – Bjørn Gulden trước đó cũng từng làm cho Adidas. Ông cho biết mình quyết định dễ dàng hơn bởi không phải là người bản địa. Tuy vậy, ông vẫn luôn nhận được những câu hỏi vì sao từ bạn bè và đồng nghiệp cũ. “Thật may mắn, mọi người cũng không đến nỗi quá tức giận”, ông cho biết.

Gulden chia sẻ ông vẫn thường trêu đùa bạn bè mình khi thấy họ mặc đồ ba sọc. Khi những đứa con trai của ông chơi bóng, ông nói rằng chúng cứ mặc đồ thể thao của Adidas thoải mái. “Nhưng tất nhiên là chúng chọn trang phục của Puma. Chúng rất thông minh”, ông cho biết.

Ngày nay, cả Adidas và Puma đều tuyên bố cuộc đối đầu đã lùi vào dĩ vãng. Thị trưởng Hacker cũng đồng ý rằng mối bất hòa đã phai nhạt. Sự kiện đầu tiên đánh dấu thiện chí là hai công ty đã cùng chơi một trận bóng với hai đội có thành viên từ cả hai công ty. Hacker cũng tham gia cuộc vui với một chiếc giày Adidas và chiếc còn lại là Puma.

“Tôi nghĩ đã đến lúc có thể khẳng định không còn mối thù nào trong thành phố này nữa. Giờ đây, mọi người có thể mặc đồ của cả hai thương hiệu. Với một thị trưởng như tôi, đó còn là điều bắt buộc”, ông Hacker nói. Ông cũng cố gắng thay đổi giữa trang phục của Puma và Adidas mỗi ngày.

Huấn luyện viên Kittler thì thở phào nhẹ nhõm khi phụ huynh đã chấp thuận cho hai đội bóng cùng tập luyện. “Bức tường ngăn cách cuối cùng cũng sụp đổ”, ông hào hứng. Các cầu thủ trẻ thì chẳng mấy bận tâm xem họ đang mặc đồ của Puma hay Adidas. “Thật may mắn là những đứa trẻ này không mang suy nghĩ và tư tưởng của thế hệ đi trước”, Kittler cho biết.

Ông Fischer đồng ý rằng hòa bình đã được lập lại ở Herzogenaurach, dù có hơi muộn màng. Puma và Adidas đã bị cuốn vào việc giành giật nhau mà quên mất rằng đối thủ Nike đến từ Mỹ đang bành trướng khắp thế giới.

“Chúng ta cần liên kết để chống lại Nike”, Fischer tuyên bố trước đài phun nước ở trung tâm thị trấn. Đài phun nước này được xây vào năm 2008, mang ý nghĩa về hòa bình. Trên đó là tượng lũ trẻ đang chơi kéo co với một bên đi giày Adidas và bên còn lại là Puma.

Hà Tường

Trả lời

0913.756.339