Nhiều dự án nhà chung cư thiếu khu vui chơi cho trẻ em

Liên quan đến câu hỏi về bảo hiểm nhà chung cư, nhà chung cư cao tầng từ 5 tầng trở lên bắt buộc phải mua tham gia bảo hiểm cháy nổ và việc mua bảo hiểm này không thay thế về phòng cháy chữa cháy? Hiện nay các nhà chung cư, cả chung cư tái định cư thực hiện mua bảo hiểm phòng cháy chữa cháy như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu? Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, việc mua bảo hiểm phòng cháy chữa cháy nếu dùng kinh phí của ngân sách mua thì rất khó nên Sở chưa đưa vào. Ngoài ra, đối với chủ đầu tư đã mua và cơ bản hoạt động tốt.

Về việc quản lý nhà chung cư, tái định cư đã đảm bảo đủ các điều kiện theo quyết định của UBND TP, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đối với chung cư thì phải gắn với chủ đầu tư. “Tôi nghĩ là các đại biểu nêu rất đúng vì đối với các đơn vị quản lý, nhà đầu tư, người sử dụng thì đúng là người ở khu nhà đó không có chuyên môn. Phải gắn việc quản lý nhà đó với toàn bộ chủ đầu tư để họ vận hành tốt hơn…” – ông Dục nói.

Về việc các đại biểu nêu vấn đề cải tạo chung cư cũ đến nay vẫn vướng mắc, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Xuân Dục cho biết, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 1.516 chung cư cũ cao từ 2 đến 5 tầng, được xây dựng từ năm 1960 đến năm 1990, tập trung chủ yếu ở 04 quận nội thành. Đến nay, nhiều nhà chung cư cũ đã xuống cấp cần phải được cải tạo, xây dựng lại. Việc cải tạo xây dựng lại chung cư cũ luôn được sự quan tâm của Trung ương và Thành phố.

Tuy nhiên, việc cải tạo chung cư cũ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách còn vướng mắc, phương thức đầu tư… Mặt khác, thị trường bất động sản thời gian qua trầm lắng, sức mua giảm, việc huy động vốn các dự án gặp nhiều khó khăn, mặt khác khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã làm nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại các dự án đầu tư. Các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tạo và bố trí quỹ nhà tạm cư để di dời dân khi thực hiện dự án xây dựng lại chung cư cũ.

Ngoài ra, việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ theo quy định phải có sự đồng thuận của 2/3 tổng số chủ sử dụng, chủ sở hữu hợp pháp, do vậy không có sự đồng thuận của đa số người dân thì dự án không thực hiện được, mặt khác chủ sở hữu căn căn hộ tầng 1 đòi hỏi nhiều về quyền lợi, không ủng hộ dự án. Nhiều trường hợp đã có sự đồng thuận của 2/3 tổng số chủ sử dụng, chủ sở hữu nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện dẫn đến làm chậm tiến độ thực hiện dự án…

Thành phố đã đưa ra giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện cải tạo chung cư là tiếp tục làm việc với Bộ Xây dựng để sớm hoàn thiện, báo cáo với Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách cải tạo chung cư cũ phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng thêm chiều cao tầng khu vực cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên cơ sở cân đối chỉ tiêu quy hoạch của khu vực phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đảm bảo tính khả thi của Dự án.

TP Hà Nội ưu tiên quy hoạch trong việc cải tạo các chung cư cũ.

Trước mắt, tập trung chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành các chung cư cũ đang xây dựng như C7 Giảng Võ hoàn thành tháng 1/2015, chung cư N3 Khu tập thể Nguyễn Công Trứ hoàn thành tháng 9/2015; đồng thời tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án C1 Thành công, C8 Giảng Võ…

Đối với vấn đề khớp nối về hạ tầng đô thị, theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Xuân Dục hiện nay có 4 khớp nối về hạ tầng đô thị và Sở xác định rõ các công trình hạ tầng khung bằng nguồn ngân sách thành phố. Cũng liên quan đến vấn đề này, trách nhiệm của UBND các quận, huyện trong giải phóng mặt bằng, thứ nhất là việc đấu nối khu đô thị với khu dân cư cũ và đấu nối với hạ tầng khung bên ngoài, chẳng hạn như khu đô thị Đặng Xá đấu nối với đường 5 thì người dân có ý kiến là chật chội. Và với việc đấu nối 573 khu đô thị thì có 357 khu đô thị đã và đang thực hiện đấu nối, trong đó còn lại 30 đô thị nằm trong chủ trương… Ngoài ra, liên quan đến các lĩnh vực quản lý đô thị, xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng tiếp thu ý kiến của các đại biểu HĐND TP và sẽ có báo cáo giải trình bằng văn bản.

Để lại một bình luận

0913.756.339