Ngân hàng Việt Nam nên tự nguyện thực hiện Basel II

Trong bối cảnh hệ thống tài chính toàn cầu cần tăng cường ổn định để đối phó với các rủi ro ngày càng phức tạp hơn, Hiệp ước vốn Basel II có hiệu lực từ năm 2007 trên cơ sở kế thừa và khắc phục những hạn chế của Basel I, với mục tiêu giúp hệ thống tài chính vững chắc, lành mạnh hơn. Tại Việt Nam, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận thí điểm cho 10 ngân hàng thương mại thực hiện theo các chuẩn mực an toàn vốn Basel II từ cuối năm 2015.

Hiện nhiều nhà băng khẳng định đã sẵn sàng chuẩn bị cho Basel II. Chủ tịch Ngân hàng Công thương (Vietinbank) Nguyễn Văn Thắng cho biết ngân hàng hiểu rõ tầm quan trọng và tính cấp bách của việc triển khai các chuẩn mực Basel II trong hoạt động. Do đó, ngân hàng đã tiến hành dự án Lập kế hoạch Basel II nhằm đặt nền móng cho quá trình triển khai Hiệp ước này trong 3-5 năm tới, theo đúng lộ trình Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Phát biểu tại hội thảo về các bài học kinh nghiệm khi triển khai Basel II giữa tuần trước, ông Mac Kalyan, Tổng giám đốc Công ty BlackIce Canada nhận định với việc Basel II được thí điểm ở 10 ngân hàng, trong tương lai sẽ có thêm nhiều ngân hàng áp dụng quy chuẩn này. “Đây là một xu hướng rất tích cực, các ngân hàng không nên nghĩ rằng phải thực hiện Basel II do Ngân hàng Nhà nước bắt buộc. Một số ngân hàng dù không được chỉ định cũng sẵn sàng thực hiện Basel II bởi tiêu chuẩn này sẽ mang lại lợi ích, giúp ngân hàng chống rủi ro, bảo toàn vốn”, ông Kalylan nói.

Bà Nguyễn Thùy Dương – Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính EY Việt Nam nhấn mạnh các ngân hàng Việt Nam đang cần một “khẩu vị” khác để quản trị rủi ro. Theo vị này, khi ngân hàng muốn hoạt động trên thị trường quốc tế, điều bắt buộc là phải tuân thủ Basel II bởi các nhà đầu tư, khách hàng sẽ coi đây là tiêu chí cơ bản để đặt niềm tin xem có hợp tác, đầu tư hay gửi tiền vào ngân hàng hay không.

So với Basel I, Basel II sẽ lượng hóa rủi ro trên cấp độ danh mục, giúp giảm thiểu rủi ro do quy trình, con người và hệ thống công nghệ thông tin. Đặc biệt, quy chuẩn này khiến nhà băng nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu. “Trên thực tế, khi triển khai tốt Basel II, chuyển từ các tiếp cận chuẩn hóa sang nâng cao, một số trường hợp ngân hàng có thể được thêm vốn bởi tính toán cho thấy có thể đơn vị sẽ thừa vốn chứ không thiếu vốn”, bà Dương nói.

Tuy vậy, việc triển khai các giải pháp để áp dụng Basel II có thể gây tốn kém chi phí cho ngân hàng, khoảng 3-5 triệu USD. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế cho rằng lãnh đạo ngân hàng phải có sự quyết tâm bởi Basel II là một quy định rất cần thiết. “Các ngân hàng phải có cách tiếp cận toàn diện, đội ngũ tham gia Basel phải có quyết tâm cao và sự hỗ trợ từ lãnh đạo để thành công”, Giáo sư John Pattison, Nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách quản lý rủi ro và vốn, ngân hàng thương mại Hoàng gia Canada cho biết.

Đánh giá về kinh tế Việt Nam, lãnh đạo BlackIce cho rằng môi trường kinh doanh trong nước đang ngày càng tốt hơn, ngành ngân hàng đã thực hiện các cải cách mạnh mẽ. “Trong số các nước Đông Nam Á tôi đã đến thăm, Việt Nam là một đất nước tôi thấy rất đặc biệt và có nhiều tiềm năng. Chúng tôi có bạn bè ở Canada và họ cũng đều nhận định tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, trong đó có triển vọng ngành ngân hàng”, ông nhấn mạnh.

Huyền Thư

Để lại một bình luận

0913.756.339