Vườn đào ngoài bãi sông Hồng
Dù lập nghiệp xứ khác, họ vẫn mong ngóng dù có cây cầu hiện đại chạy qua, người dân Phú Thượng vẫn sẽ được hưởng một không khí với cỏ cây, thiên nhiên, hoa trái…
Khi dân nhạy bén với thị trường
Địa bàn phường Phú Thượng được hợp thành từ 3 làng ngày xưa. Dân cư Phú Thượng vẫn truyền tai nhau về ngành nghề trong làng “Phú Xá rau hoa, Phú Gia xôi chè, Thụy Tiến buôn hoa”. Trong số 3 làng nghề này thì dân Phú Xá phải di dời xa nhất để trả mặt bằng cho cầu Nhật Tân.
Ông Trịnh Văn Lâm, Bí thư chi bộ cụm dân cư số 8 (thuộc Phú Xá) cho biết, toàn bộ cụm dân cư số 8 bị lấy gần hết đất trồng đào, nhưng may mắn phường còn ít quỹ đất ngoài bãi sông Hồng nên chuyển cho các hộ canh tác luôn. Đất ở ngoài bãi không tốt như đất Phú Thượng nên thu nhập của bà con hàng năm cũng bị giảm sút. Ngoài ra, do chuyển địa điểm trồng hoa, trồng đào nên việc tiêu thụ, phân phối sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi đang cùng người dân lên phương án góp tiền của để làm đường, tạo điều kiện thuận tiện cho các phương tiện vận chuyển vào bãi chở cây, chở hoa đi bán. Bởi khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm là cực kỳ quan trọng, không có cách đưa sản phẩm của mình ra thị trường thì đào, quất trồng ở bãi sông Hồng chỉ để làm cảnh và chứng thực sự tháo vát của bà con Phú Xá” – ông Lâm chia sẻ.
Ngoài may mắn còn đất ngoài bãi sông Hồng để tiếp tục nghề kinh doanh truyền thống, cư dân Phú Xá cũng khá nhanh nhạy khi biết chuyển đổi sang ngành nghề kinh doanh dịch vụ. Nhiều gia đình tận dụng nhà ngay mặt cầu mở dịch vụ giải trí, ăn uống phục vụ nhân dân. Có nhiều hộ gia đình đã ngay lập tức lấy số tiền đền bù để xây nhà, xây chung cư mini cho thuê.
“Trước đây số nhà cho thuê ít lắm, lác đác trên đầu ngón tay, bây giờ thì nhà nào cũng có chừng 10 phòng, cũng may bà con thức thời nên ai cũng có thêm ít tiền chi phí hàng tháng. Rồi dịch vụ ăn uống, giải trí cũng sẽ là nguồn thu nhập tốt của người dân khi dịch vụ cho thuê nhà trọ, chung cư mini đang dần ổn định” – ông Lâm cho biết.
Tuy nhiên, một điều mà ông Lâm vẫn trăn trở chính là tạo điều kiện cho thanh niên, nhân dân trong phường được làm việc ổn định trên địa bàn phường. Theo ông Lâm, ngay ở cụm dân cư số 8, có một xưởng giặt là do một người Nhật Bản làm chủ đang đi vào hoàn thiện, tuyển công nhân và quản lý. “Tôi đang liên hệ để mong họ tạo điều kiện cho bà con quanh đây vào làm việc. Xưởng đặt trên đất của mình mà thanh niên, nhân dân không xin được vào làm thì thiệt thòi quá”.
Nghe những tâm sự của ông Lâm, tự nhiên chúng tôi nghĩ tới câu chuyện đang rất thời sự hiện nay “cây cầu nằm trọn vẹn trên đất Phú Thượng mà lại mang tên Nhật Tân”. Đó là câu hỏi mà nhân dân Phú Thượng đang mong muốn tìm được câu trả lời, bởi với họ, dù phải rời khỏi mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”, lập nghiệp xứ khác thì niềm tự hào là người con Phú Thượng vẫn chảy trong huyết quản từng người.
Dãy nhà ven mặt cầu
Mong cảnh thiên nhiên dưới lòng cây cầu hiện đại
Khu vực Hà Nội có nhiều đất có thể trồng hoa, trồng đào, mỗi một vùng đất khác nhau có chất đất, màu mỡ hay cằn cỗi khác nhau. Đào Phú Thượng đặc trưng bởi được trồng trên đất cằn cỗi nên hoa đẹp hơn, màu đậm hơn. Do vậy, khi buộc phải trồng hoa “đất khách”, những người con Phú Thượng lại phải vất vả hành trình “tìm lại chất đất cho cây”.
Với gia đình ông Hoa Văn Thảo (tổ 52, cụm dân cư số 8), toàn bộ đất trồng đào phải bàn giao cho xây cầu. Cả nhà chỉ trông chờ vào nghề trồng đào nên bắt buộc ông phải xoay xở để tiếp tục theo nghề. Ông thuê nhà cách Phú Thượng 4-5km, rồi ra Tứ Liên, Tây Tựu thuê đất trồng đào. “Đâu phải thuê đất xong là tiến hành trồng đào luôn được. Tôi phải tiến hành cải tạo đất để cho giống chất đất mình đang trồng mới phù hợp với kỹ thuật trồng đào đã qua bao nhiêu đời của dòng họ, rồi làm mới toàn bộ hệ thống tưới tiêu, rồi tiền thuê bảo vệ trông coi hàng đêm. Chi phí đầu tư tăng lên mà doanh thu lại giảm do mới trồng ở đất lạ, tôi chưa có kinh nghiệm nên hoa, quả không ra được như ý muốn” – ông Thảo kể.
Tham gia câu chuyện còn có ông Hoa Xuân Trường, một ông chủ lớn về trồng đào ở đất Phú Thượng. Tuy thế, ông chỉ im lặng lắng nghe, thi thoảng mới thêm vài câu, đặc biệt để ý đến việc “mang sản phẩm ra thị trường như thế nào”. Ông Trường cho biết, trước đây người ta đã quen đất, quen ruộng, “đến hẹn lại lên” để tìm cây, chọn giống. Bây giờ di chuyển xa thêm vài kilômét, khách hàng cũng ngại hơn, đã thế lại thêm sự cạnh tranh sản phẩm của làng khác nữa.
“Toàn những chi phí nói ra thì vặt vãnh nhưng cộng lại cũng khiến thu nhập của chúng tôi giảm đáng kể. Năm đầu tiên làm đào ở đất lạ, chúng tôi gần như không có tiền công, những năm sau ổn hơn nhưng thu nhập bị giảm tới gần một nửa” – ông Trường than thở.
Sau 3 năm đi ở thuê, chờ xây cầu xong, những người dân Phú Xá mới lục tục quay lại để xây nhà cho mình. Nhìn những dãy nhà mới chạy ngay mặt cầu cũng cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của bà con Phú Xá. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những nỗi buồn.
Ông Hoa Xuân Trường (tổ 51, khu dân cư số 8) cho biết, dãy nhà của mình ở vị trí ngay mặt cầu, rất đẹp thuận tiện cho kinh doanh dịch vụ, hoặc ít nhất thì cũng có thể làm quán trà đá nho nhỏ cho dân cư trên địa bàn có nơi chốn tụ tập bàn chuyện phường, chuyện phố. Nhưng thuận tiện đâu chưa thấy, chưa triển khai ý tưởng bán hàng, tạo cảnh quan thì đã thấy biển cắm của Sở GTVT Hà Nội rồi. Có thể họ sẽ lấy lòng cầu làm chỗ trông xe chăng?
Ông Hoa Tiến Mạnh góp thêm: Phú Thượng ngày xưa cây trái trĩu trịt, cây cỏ xanh mát, giờ chỉ thấy cây cầu với đường bê tông. Kỳ thực, nói là bán quán trà đá chỉ là vui thôi, nhưng mấy anh em sống ven mặt cầu đã ngồi lại với nhau bàn ý định sẽ mua vài cây cảnh, hoa trái về trồng trong lòng cầu để tạo cảnh quan, môi trường sống cho có chút thiên nhiên. Trước mắt là đẹp cho nhà mình, sau thì có chỗ để bà con đi lại thể dục ngắm hoa, xem cảnh. Thế mà Sở GTVT lấy đất rồi, bà con sẽ không có chỗ để dạo bộ. “Nghe cũng buồn, không nhẽ chúng tôi phải ra bờ sông ngắm cảnh?” – ông Mạnh kết thúc câu chuyện bằng một câu hỏi mà có lẽ sẽ rất khó để có được một câu trả lời thỏa đáng.
Nhật Thu – Huy Ba (PLVN)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.