Trao đổi với VnExpress ngày 30/12, ông Mai Giang- Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lý Sơn cho biết sau khi làm việc với đoàn kiểm tra của địa phương, chủ đại lý các cửa hàng xăng, dầu thống nhất điều chỉnh giá mỗi lít xăng RON 92 xuống 21.200 đồng, cao hơn khoảng 3.000 đồng so với đất liền. Trước đó, mức chênh có thời điểm lên tới 7.000 đồng mỗi lít, gây bức xúc cho người dân.
“Việc giá xăng đắt hơn đất liền 2.000-3.000 đồng là có thể chấp nhận được. Chính quyền địa phương cùng người dân cũng chia sẻ cùng doanh nghiệp vì họ phải vận chuyển nhiên liệu từ đất liền ra đảo, tốn kém lớn. Còn mức chênh 4.000-7.000 đồng như trước là khó chấp nhận”, ông Giang nói.
Nhiều cửa hàng xăng, dầu ở huyện đảo Lý Sơn sáng 30/12 niêm yết giá bán xăng A92 với 21.200 đồng mỗi lít (cao hơn 3.000 đồng) so với đất liền. Ảnh: H.Danh. |
Theo ông Giang, những năm trước, mỗi lần phát hiện doanh nghiệp “găm hàng”, chờ biển động rồi nâng giá đột biến, đoàn kiểm tra của huyện chỉ nhắc nhở, chứ chưa xử phạt nên việc chấp hành giá thiếu nghiêm túc, gây bức xúc.
Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND huyện – Trần Ngọc Nguyên hiện địa phương đang “tạm chấp nhận” cho các doanh nghiệp niêm yết giá xăng cao hơn đất liền 2.000-3.000 đồng. Tuy vậy, chính quyền đã đề nghị Sở Công thương rà soát văn bản pháp lý để chấn chỉnh theo quy định.
“Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cử tổ công tác túc trực thường xuyên ở đảo, nhưng một hai tháng, đoàn mới ra nên việc kiểm soát còn thiếu chặt chẽ. Khi tăng giá trong đất liền thì doanh nghiệp điều chỉnh nhanh lắm, còn khi giá giảm thì họ không chịu”, ông Nguyên chia sẻ.
Về vấn đề này, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ngãi xác nhận những năm trước, đơn vị từng nhận thông tin phản ánh việc đại lý kinh doanh xăng, dầu ở huyện đảo Lý Sơn bán cao hơn đất liền. Tuy nhiên khi kiểm tra thì địa phương cho rằng mức chênh 2.000-3.000 đồng là hợp lý, nên chỉ cảnh cáo, nhắc nhở chứ chưa xử phạt.
Hiện đội Quản lý thị trường số 6 đóng ở Khu kinh tế Dung Quất kiêm quản huyện đảo Lý Sơn. Nhưng mỗi khi biển động kéo dài, đoàn khó có thể có mặt ngay để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giá cả.
“Với vai trò là quản lý hành chính Nhà nước, UBND huyện Lý Sơn có đầy đủ thẩm quyền lập đoàn kiểm tra, xử phạt doanh nghiệp vi phạm, chứ không nhất thiết phải đợi quản lý thị trường”, vị lãnh đạo này cho hay.
Theo quyết định của Liên bộ Tài chính – Công Thương, từ ngày 22/12, các doanh nghiệp được yêu cầu giảm giá bán lẻ tại khu vực một xuống còn 17.880 đồng một lít xăng RON 92. Với khu vực hai (xa cảng biển, trung tâm), mức giá tối đa cho phép còn 18.230 đồng. Tuy nhiên, giá bán tại Lý Sơn có lúc đã lên tới 24.000-25.000 đồng một lít, thậm chí là 26.000-27.000 đồng với các điểm lẻ.
“Ngoài khoản hoa hồng 530-1.000 đồng cho mỗi lít (tùy theo thời điểm), doanh nghiệp bán lẻ còn hưởng thêm mức thu 2% mỗi lít xăng, dầu so với vùng 1, tức là đã đủ bù vào khoản chi phí vận chuyển. Do vậy, việc bán giá quá cao so với đất liền là trái quy định”, ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Xăng dầu Quảng Ngãi cho biết thêm.
Cùng với Lý Sơn, theo ghi nhận của VnExpress, người dân xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, Hội An) cũng đang chịu cảnh mua xăng, dầu đắt đỏ với giá 24.000 đồng mỗi lít xăng RON 92 và 20.000 đồng mỗi lít dầu diesel (cao hơn 3000-6000 đồng so với đất liền). Hiện xã đảo này chưa có cửa hàng bán xăng, dầu.
Còn các cơ sở kinh doanh ở xã đảo Nhơn Châu (Quy Nhơn, Bình Định) đang bán diesel với giá 18.000 đồng để bà con dùng chạy máy nổ phát điện. Trong khi đó, khảo sát tương tự ở các huyện đảo phía Nam như Côn Đảo, Phú Quốc… giá xăng dầu vẫn được bán với giá quy định cho vùng II là 18.230 đồng một lít đối với xăng RON 92.
Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Công Thương – Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay một số đảo như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận) chưa có hệ thống xăng dầu quản lý theo Nghị định 83. Các cửa hàng tại đây do các cá nhân độc lập, nhập xăng dầu về và bán theo nhu cầu thị trường. Do vận chuyển khó khăn nên chi phí thường cao. Vị này cho biết nếu các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống của Petrolimex hoặc các đầu mối khác đang được quản lý theo Nghị định 83 thì không ai được phép tăng giá bán, kể cả khu vực 2. Còn các dịch vụ bán lẻ bên ngoài, xuất phát từ cung cầu thị trường thì rất khó kiểm soát. “Chẳng nói đâu xa ngay tại Hà Nội, vẫn có các nơi bán xăng tự phát bằng các cột bơm nhỏ, cho dù hệ thống cửa hàng bán lẻ có số lượng lớn”, Thứ trưởng nói. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex cũng xác nhận các cửa hàng bán xăng tại đảo Lý Sơn không thuộc hệ thống quản lý của tập đoàn. Tuy nhiên, sau phản ánh của VnExpress, doanh nghiệp cũng đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi để tìm hướng xử lý. Thành Tâm |
Trí Tín – Thi Hà