Các ‘Vina’ giao thông nhọc nhằn hồi sinh

Cái tên gây nhiều ấn tượng năm qua trong số các “Vina” của ngành giao thông là Tổng công ty Công nghiệp ôtô (Vinamotor). Ra đời 50 năm trước, Vinamotor ban đầu được thành lập với vai trò chủ yếu là doanh nghiệp cơ khí của Bộ Giao thông vận tải. Từ năm 2003, khi chuyển thành Tổng công ty Công nghiệp ôtô thì được định hướng thành doanh nghiệp nòng cốt nhằm phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam.

Là ông lớn của khối ôtô quốc doanh nhưng trong hơn 10 năm lại đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinamotor chưa bao giờ được Bộ đánh giá cao. Đây cũng là đơn vị được chọn làm thí điểm cho mô hình thuê Tổng giám đốc của doanh nghiệp Nhà nước vào giữa thập kỷ trước song kết quả cũng thất bại.

Từ khi tiến hành cổ phần hóa vào đầu năm ngoái,  kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Vinamotor được báo tăng đột biến, với lợi nhuận cả năm đạt 65 tỷ đồng. Chưa lớn so với một số doanh nghiệp cùng ngành, song theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Hải Trung đây đã là “bất ngờ ngoài mong đợi” với Vinamotor.

Ông Trung cho biết lợi nhuận này tăng đến 590% so với chỉ tiêu mà đại hội cổ đông đề ra và tăng 591% so với thực hiện năm ngoái. “Trong một năm mà ngành ôtô trong nước tiếp tục bị cạnh tranh bởi các sản phẩm ngoại do thuế giảm, Vinamotor thành công nhờ kiên trì bám thị trường ngách là phân khúc xe tải và nhất là xe khách trên 29 chỗ ngồi”, vị Chủ tịch cho hay.

Lãnh đạo Vinamotor hy vọng, kết quả kinh doanh khởi sắc năm qua sẽ đặt nền móng cho nhà đầu mới yên tâm vào lĩnh vực chính là lắp ráp ôtô bởi đang có nhiều đồn đoán doanh nghiệp này sẽ bị “thâu tóm” bởi các đối tác xa lạ với ngành ôtô. Sau khi Chính phủ đồng ý chủ trương thoái toàn bộ vốn nhà nước tại đây, hiện đã có ít nhất 3 nhà đầu tư muốn mua lại Vinamotor và hầu hết đều là những cái tên không mấy liên quan đến ngành công nghiệp này.

tao-dieu-kien-toi-da-co-che-de-9496-9409

Tàu hút bùn Trần Hưng Đạo, “biểu tượng” của Vinawaco đã hồi sinh

Tổng công ty Xây dựng đường thủy – Vinawaco được hồi sinh từ bờ vực phá sản trong năm 2014. Ông Nguyễn Huy Hiền, Chủ tịch Vinawaco nhớ lại, suốt 3 năm 2010-2012, doanh nghiệp nợ nần chồng chất, có lúc lên đến 1.000 tỷ đồng. Tàu Trần Hưng Đạo – biểu tượng một thời của ngành xây dựng đường thủy tưởng như sẽ phải đem bán sắt vụn. 

Chỉ sau hai năm “dọn dẹp”, số nợ đã được xử hết, con tàu này giờ đang rít còi rộn ràng tại một trong những dự án trọng điểm của ngành Giao thông vài năm tới là Luồng Sông Hậu. 

“Doanh thu của công ty năm 2014  đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, đạt mức 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận cũng tăng thêm 16 tỷ. Chồng đơn kiện cao như núi của người lao động trong các năm 2012-2013 đã biến mất”, Tổng giám đốc Ngô Văn Tuấn lạc quan.

Khi đốc thúc các đơn vị trong ngành cổ phần hóa, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã không ít lần lấy Vinawaco để “khích tướng” các ông chủ doanh nghiệp Nhà nước, rằng “một doanh nghiệp tưởng như đã phá sản là Vinawaco vẫn cổ phần hóa thành công, làm ăn có lãi thì không có doanh nghiệp nào là không thể”.

Tại hai “Vina” tai tiếng nhất của ngành Giao thông là Vinalines và Vinashin, làn gió đổi mới cũng đang thổi qua hầu hết các đơn vị, công ty con dù khó khăn vẫn còn không ít.

Với Vinashin, giờ mang tên mới là SBIC, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Sự nói rằng nếu coi cuối năm 2013 là thời điểm trục vớt con tàu đắm lên khỏi mặt nước, thì đến đầu 2015, nhiên liệu đã được tra nạp để sẵn sàng ra khơi trở lại. Dù số lỗ năm qua vẫn còn hơn 2.000 tỷ đồng song nhiều hợp đồng triệu đô xuất khẩu những mác tàu hiện đại nhất đã tạo nên khí thế mới cho người lao động.

Trong số 8 doanh nghiệp giữ lại, ngoài Đóng tàu Sông Cấm có lãi thì nhiều năm nay thì 2014 cũng chứng kiến sự trỗi dậy của Đóng tàu Hạ Long, Sông Đào. “Năm qua Hạ Long đã đóng được những con tàu kiểm ngư hiện đại, nhiều hợp đồng mới về liên tiếp mà nếu nhận thêm thì sẽ quá tải. Đầu năm mới Tổng công ty phải chuyển bớt một hợp đồng tại Hạ Long san sẻ cho Phà Rừng”, ông Sự nói.

Tại lễ tổng kết của SBIC cuối tháng trước, Bộ trưởng Thăng đánh giá, 2014 vẫn là một năm đầy khó khăn nhưng kết quả đạt được rất đáng khích lệ. “Phân tích báo cáo cho thấy năm qua SBIC còn lỗ nhưng nếu được tách bạch tất cả những khoản nợ từ trước thì rõ ràng đây là năm doanh nghiệp đã hoạt động có hiệu quả”, Bộ trưởng nói.

Còn với Vinalines, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Huệ dẫu thừa nhận “sức khỏe con tàu như người mới ốm dậy” song nhiều điểm sáng để lé lộ với doanh nghiệp này. Bức tranh tài chính đã bớt u ám hơn khi số lỗ hợp nhất năm qua đã giảm đến 5.000 tỷ đồng , trong đó, lỗ từ hoạt động vận tải biển giảm 61% và cảng biển giảm 35% so với cùng kỳ. Khối dịch vụ hàng hải – logistics đã bắt đầu thu về lợi nhuận cho Tổng công ty dù chưa đáng kể.

Tuy nhiên điểm sáng nhất với Vinalines năm qua là quá trình tái cơ cấu, gồm tái cơ cấu nợ nợ và cổ phần hóa doanh nghiệp. Số nợ xấu đã giảm trong năm qua lên đến gần 1.800 tỷ đồng. Hơn 500 tỷ khác cũng được công ty mje thu về khi thoái vốn thành công tại 22 trong tổng số 27 doanh nghiệp. 

Từ chỗ bị phê bình trong hội nghị cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng chủ trì đầu đăm 2014 thì đến cuối năm, Vinalines liên tục được biểu dương khi góp đến 10 cái tên, chiếm hơn 20% toàn ngành giao.

Nhận định về quá trình hồi phục của Vinalines và Vinashin, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, dù bức tranh toàn cảnh vẫn nhiều mảng tối, cân đối tài chính còn mất cân bằng, song điều quan trọng là tiến trình tái cơ cấu đã hé lộ nhiều điểm sáng. 

“Niềm tin vào nội lực để hồi phục đã rõ hơn. Và quan trọng, so với đề án tái cơ cấu mà Chính phủ đề ra, thì những con tàu này đã chạy nhanh hơn nhưng không hề vội vàng”, ông Thăng nhìn nhận

Theo ông Thăng, sức ép cổ phần hóa, đổi mới doanh nghiệp năm qua chính là một liều thuốc kích thích các doanh nghiệp ngành giao thông làm ăn hiệu quả hơn, quản trị chặt chẽ, tin gọn và sáng tạo hơn. 

“Tinh thần giám nghĩ, giám chịu trách nhiệm chứ không ngồi chờ xin – cho sẽ làm doanh nghiệp mạnh lên. Nhà nước chỉ tạo điều kiện về chính sách chứ không ai làm thay doanh nghiệp được”, ông Thăng nói.

Chí Hiếu

Để lại một bình luận

0913.756.339