Người dân Hồng Kông đã xuống đường biểu tình rầm rộ trong những ngày vừa qua, đòi quyền biểu quyết trong cuộc bầu cử năm 2017 sắp tới. Đây không phải là những cuộc xuống đường phố tự phát mà xuất phát từ những vấn đề sâu xa, liên quan đến bất cập của thể chế “một quốc gia, hai hệ thống” đã từng được cam kết thời điểm người Anh trao trả Hồng Kông về với Trung Hoa đại lục. Tất nhiên, tình hình chính trị căng thẳng này đang gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế được coi là một trong những trung tâm tài chính tại châu Á này.
Paul Louie, nhà kinh tế tại Barclays đã cảnh báo, “những cú sốc bất ngờ” như vậy có thể gây ra một sự sụt giảm nghiêm trọng trên thị trường bất động sản Hồng Kông. “Nếu tình hình diễn biến tiếp tục căng thẳng, thị trường bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng không kém cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ những năm 97 – 98 và phải mất một thời gian rất dài, địa ốc Hồng Kông mới có thể phục hồi trở lại”, ông Louie nói.
Không chỉ đối với thị trường bất động sản, ngay cả các hoạt động kinh tế khác cũng bị ảnh hưởng lâu dài, từ bảo hiểm, ngân hàng cho đến TTCK. Hồng Kong được coi là trung tâm tài chính thương mại lớn trên thế giới, nhờ vào vị thế là cửa ngõ vào Trung Quốc. Giá trị các mặt hàng được giao dịch qua đặc khu hành chính này lên tới 977 tỷ USD trong năm 2013, chiếm 5,2% toàn cầu. Thành phố này cũng là điểm đến cho các thương vụ IPO trên thế giới và là TTCK có số vốn huy động lớn nhất toàn cầu trong thập kỷ qua, chủ yếu nhờ các công ty lớn của Trung Quốc IPO và niêm yết tại thị trường này.
Sau các cuộc biểu tình gần đây, TTCK Hồng Kông đã liên tục lao dốc và xuống thấp nhất trong 7 tháng. Chỉ số Hang Seng Index (HSI) đã giảm 2,2% vào lúc 10h15 ngày 29/9, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ ngày 4/2/2014. Đồng đô la Hồng Kông cũng rớt giá mạnh nhất kể từ năm 2011 và phí hợp đồng hoán đổi lãi suất 1 năm tăng mạnh nhất 15 tháng. Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông cho biết, 29 chi nhánh ngân hàng, văn phòng và ATM của 17 nhà băng tạm thời đóng cửa.
Giao thương kinh tế cũng dính những tác động tiêu cực. Các hãng bán lẻ và công ty du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những cuộc biểu tình này. “Nếu tình hình nghiêm trọng hơn, nó sẽ có những tác hại liên hoàn lên khắp ngành dịch vụ tại Hồng Kông”, Dennis Chan, Giám đốc Công ty Du lịch Uni Travel nói và lo ngại, cuộc biểu tình sẽ làm gián đoạn các hoạt động tài chính, gây ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế và khiến các nhà đầu tư đình chỉ dòng vốn rót vào Hồng Kông.
Đồng đô la Hồng Kông từng rất ổn định đang mất giá so với đồng USD, buộc cơ quan tiền tệ đặc khu này phải lên tiếng trấn an thị trường rằng, các nhà chức trách sẵn sàng can thiệp để giữ đồng tiền không vượt ra khỏi biên độ dao động đã được ấn định.
Các nhà phân tích cũng đang chờ xem các lĩnh vực khác ở Hồng Kông, chẳng hạn các mặt hàng xa xỉ ở “kinh đô mua sắm” này sẽ chịu tác động ra sao khi lượng du khách đến từ Trung Quốc đại lục được cho là sẽ giảm mạnh. Thông thường, có một lượng du khách khá lớn đổ sang Hồng Kông nhân dịp lễ Quốc khách Trung Quốc vào đầu tháng 10 hàng năm.
Mặc dù vậy, vẫn có một số chuyên gia không cho rằng biểu tình có ảnh hưởng dài hạn tới thị trường bất động sản cũng như kinh tế Hồng Kông. Theo báo cáo của Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings, biểu tình khó có khả năng ảnh hưởng tới định hạng tín nhiệm của đặc khu này.
“Chúng tôi không cho là biểu tình sẽ có ảnh hưởng tới xếp hạng tín nhiệm của Hồng Kông trong ngắn hạn. Sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nếu biểu tình lên tới một quy mô lớn và kéo dài, nhưng hiện nay chúng tôi không cho là điều này có khả năng xảy ra”, ông Andrew Colquhoun, Trưởng bộ phận phân tích trái phiếu chính phủ khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Fitch đánh giá. Fitch hiện dành cho Hồng Kông định hạng tín nhiệm AA+ và triển vọng ổn định.
Tuy vậy, những diễn biến thực tế cho thấy, những ngành được cho là xương sống của nền kinh tế Hồng Kông như bất động sản, thị trường tài chính, thị trường bán lẻ… đang chịu những tác động tiêu cực. Và hậu quả nhãn tiền là các nhà đầu tư trở nên e ngại khi rót vốn vào đặc khu này.
Kim Tuyến (ĐTCK)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.