Không có tiệc năm mới xa hoa cho doanh nghiệp Nga

Tiệc năm mới xa hoa là là một trong những điểm nhấn của văn hóa doanh nghiệp tại Nga. Tuy nhiên, giá dầu giảm, đồng rouble mất giá cùng nỗi lo khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều doanh nghiệp Nga phải cắt giảm ngân sách cho hoạt động này trong năm 2014.

Xu hướng tiết kiệm này là dấu hiệu cho thấy giới doanh nhân đang có tâm lý thắt lưng buộc bụng. Đây cũng là tin xấu với ngành công nghiệp khách sạn tại Nga – nơi vẫn lấy tiệc tung là nguồn sống trong 2 tháng đầu năm.

Trên Moscow Times, ông Igor Bukharov – Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Nga cho biết đối với nhiều nhà hàng, cuộc khủng hoảng hiện tại “giống hệt” thảm họa kinh tế diễn ra tại nước này vào năm 1998 và 2008-2009.

nga-1-8462-1419928496.jpg

Các nhà hàng Nga đang bị ảnh hưởng vì doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu năm mới. Ảnh: Vedomosti

Nước Nga đang trên bờ vực suy thoái. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây do cuộc khủng hoảng tại Ukraine và giá dầu giảm sâu đã kìm hãm tăng trưởng, khiến nội tệ mất giá hơn 40% so với USD và dòng vốn đầu tư chảy khỏi nước này. Đầu tháng trước, Ngân hàng Thế giới dự đoán kinh tế Nga sẽ co lại 0,7% trong năm tới.

Những điều này đã khiến doanh nghiệp Nga lo ngại và cắt giảm chi tiêu cho năm mới. Theo Bukharov, lượng đặt chỗ cho tiệc năm mới của các công ty tại nhà hàng đã giảm 40% so với năm ngoái.

Natalya Takhokhova – Giám đốc truyền thông của nhà hàng Paradise tại trung tâm Moscow cho biết nhu cầu đặt tiệc tại nhà hàng giảm khoảng 30% so với năm 2013. Các công ty đang cắt giảm chi tiêu khoảng 50% ngân sách dành cho sự kiện năm mới.

Dù vậy, trong thời buổi kinh tế khó khăn, các hãng dầu mỏ, kim cương và kim loại lớn vẫn mạnh tay chi tiền như thường lệ, Ilya Avdyunin – Giám đốc bộ phận tổ chức sự kiện của abd:Entertainment cho biết. Một lý do là họ vẫn có khả năng vung tiền vào các bữa tiệc lớn. Lý do khác là “Họ hiểu rằng khủng hoảng đang bủa vây và khích lệ tinh thần nhân viên là điều cần thiết”, ông nói.

Tiệc năm mới là sự kiện bình thường trên khắp thế giới, nhưng các công ty Nga nổi tiếng vì tổ chức theo cách rất đặc biệt. Nhất là tiệc của các công ty quốc doanh còn có sự góp mặt của người nổi tiếng và quà cáp đắt tiền.

Khi dư luận tỏ ra bất bình, các công ty này buộc phải thắt chặt chi tiêu. Năm 2013, Tổng thống Nga – Vladimir Putin đã công khai chỉ trích việc chi tiêu ngân sách cho các bữa tiệc công ty. Thông điệp cũng được nhắc lại trong một phát biểu của Thủ tướng Dmitry Medvedev đầu tháng trước.

Nhưng trong giới doanh nghiệp tư nhân, các bữa tiệc xa hoa vẫn được tổ chức. Tại Nga, tiệc cuối năm hoành tráng là biểu tượng của sức mạnh và vị thế của công ty, Avdyunin cho biết.

“Dân Nga thường tranh luận về việc các công ty mời các ngôi sao tới dự sự kiện kinh doanh. Nhưng trên thực tế, điều này truyền tải tới nhân viên công ty một thông điệp rằng: Ngôi sao được mời tới càng nổi tiếng, vị thế của công ty bạn đang làm việc càng cao và ban lãnh đạo càng được xem là quan tâm tới nhân viên”, Avdyunin nói.

Trong khi các tập đoàn lớn vẫn có thể chi tiền cho những bữa tiệc xa hoa, đa số doanh nghiệp Nga vẫn phải thắt lưng buộc bụng. Hãng tổ chức sự kiện Art Event cho biết vẫn nhận được đơn đặt chỗ cho bữa tiệc năm mới, nhưng yêu cầu của khách hàng đã thay đổi. Các nhà hàng 5 sao gần Quảng trường Đỏ được thay thế bởi những địa điểm rẻ hơn ngoài trung tâm thành phố. Các công ty trước đây thường chi một triệu ruble (33.000 USD) chưa tính tiền đồ ăn cho bữa tiệc năm mới. Nhưng nay họ chỉ chi khoảng 300.000-500.000 ruble (5.000-8.500 USD theo) – Giám đốc sáng tạo của Art Event – Ashot Pogosyan cho biết.

Điều này gây ảnh hưởng lớn tới các công ty tổ chức sự kiện, bởi một số đơn vị thông thường có doanh thu tăng tới 20-30% trong mùa năm mới, Pogosyan ước tính. Khủng hoảng hiện nay có thể khiến doanh thu của các công ty tổ chức sự kiện giảm tới 50%, ông nói.

Tiêu dùng cho kỳ nghỉ giảm đang khiến ngành công nghiệp khách sạn Nga lao đao. Đặc biệt là các nhà hàng tầm trung do đồng rouble mất giá khiến lạm phát tăng và sức mua của tầng lớp trung lưu giảm.

Tuy nhiên, Bukharov cho rằng với kinh nghiệm 34 năm làm việc trong ngành khách sạn, ông thấy rằng những cơn khủng hoảng tài chính gần đây của Nga cuối cùng lại khiến ngành này phát triển mạnh hơn. “Những người trải qua khủng hoảng sẽ trở nên mạnh mẽ và chăm chỉ hơn. Họ có thể phân tích thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Khủng hoảng vừa có tác động tiêu cực vừa tác động tích cực”, ông nói.

Thanh Tuyền

Để lại một bình luận

0913.756.339