Thị trường bất động sản đang được đánh giá là bắt đầu có những bước hồi phục cả về giá lẫn thanh khoản, khiến nhiều người kỳ vọng cổ phiếu nhóm này có thể tạo sóng trong thời gian tới. Ảnh: HẢI NAM
Kết quả kinh doanh dần cải thiện
Tính đến thời điểm hiện tại, mới có khoảng một phần ba các công ty bất động sản trên sàn công bố báo cáo KQKD quí 3, trong đó chủ yếu là các công ty có quy mô vốn nhỏ, không phải blue-chips trên sàn. Mặc dù các “ông lớn” trong ngành như VIC (chiếm 28% vốn hóa ngành), ITA (14% vốn hóa ngành), FLC (6,2%), DIG, OGC… vẫn chưa lộ diện doanh thu và lợi nhuận chín tháng đầu năm nhưng kết quả sơ bộ các công ty công bố cho thấy một bức tranh đã có phần tươi sáng hơn của ngành bất động sản, tuy rằng mức độ cải thiện còn khiêm tốn.
Có những công ty có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt như CII, LHG, KDH, PDR. Lợi nhuận sau thuế trong quí 3 của CII đạt 77 tỉ đồng, tăng 8% trong khi lợi nhuận lũy kế chín tháng đạt 221 tỉ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2013. KDH có kết quả kinh doanh khởi sắc đột biến khi ghi nhận mức lợi nhuận ròng hơn 30 tỉ đồng trong quí 3, trái ngược hoàn toàn với mức lỗ 91 tỉ đồng cùng kỳ. LHG cũng tương tự khi có mức doanh thu tăng trưởng 1,73 lần trong quí vừa qua, đồng thời chuyển từ trạng thái lỗ 11 tỉ đồng trong quí 3-2013 sang mức lãi 14,4 tỉ đồng trong năm nay. PDR là một trường hợp khác có doanh thu và lợi nhuận cải thiện vượt bậc khi đạt 52 tỉ đồng doanh thu trong quí vừa qua, gấp 4,6 lần doanh thu cùng kỳ và đạt 7,7 tỉ đồng lợi nhuận, gấp 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, cũng có một số công ty có kết quả thụt lùi như DXG với mức lỗ ròng hơn 6 tỉ đồng trong quí 3 trong khi năm ngoái công ty lãi hơn 31,5 tỉ đồng. Lũy kế chín tháng, lợi nhuận sau thuế DXG đạt 31,7 tỉ đồng, giảm 15% so với năm ngoái. Hàng tồn kho của công ty này tính đến hết quí 3 là 212 tỉ đồng, tăng 33% so với con số hồi đầu năm. KAC cũng có doanh thu sụt giảm một nửa và chuyển sang trạng thái lỗ trong quí 3 năm nay. SZL vẫn duy trì được mức doanh thu từ mảng bất động sản nhưng lợi nhuận sụt giảm 60% do doanh thu tài chính giảm 52%.
Kỳ vọng vào quí 4
Diễn biến giao dịch từ đầu năm đến nay, chỉ số ngành bất động sản mới chỉ tăng khoảng 11%, đứng thứ 10 về mức tăng của chỉ số ngành. So với Vn-Index (tăng hơn 22% kể từ đầu năm) thì mức tăng của ngành bất động sản chưa bằng một nửa thị trường chung. Những khó khăn nội tại của ngành như thanh khoản mới chỉ ấm dần lên chứ chưa sôi động, nguồn cung dư thừa (đặc biệt là phân khúc văn phòng), nhiều dự án bất động do năng lực chủ đầu tư yếu kém, không huy động được nguồn vốn từ cả ngân hàng lẫn người mua nhà… khiến nhà đầu tư có lý do để e ngại khi rót vốn vào nhóm cổ phiếu bất động sản. Tuy nhiên, vẫn có một số lý do để kỳ vọng nhóm ngành này có thể tạo sóng trên TTCK trong các tháng cuối năm.
Thứ nhất, thị trường bất động sản đang được đánh giá là bắt đầu có những bước hồi phục cả về giá lẫn thanh khoản. Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Hà Nội quí 3-2014 của CBRE cho thấy, lượng bán ra của phân khúc căn hộ trong chín tháng đầu năm 2014 đạt khoảng trên 6.800 căn, cao hơn số lượng thực hiện của cả năm 2013 với khoảng 6.700 căn. Riêng quí 3 có khoảng 2.500 căn được chào bán, tăng 2%. Lượng giao dịch tăng 30%, chủ yếu ở phân khúc trung cấp. Giá bán tăng 2-5% so với năm trước, tăng 1% so với quí trước. Còn theo Tổng cục Thống kê thì hoạt động kinh doanh bất động sản trong chín tháng đầu năm nay đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức tăng không quá lớn nhưng là những tín hiệu đầu tiên của sự phục hồi.
Thứ hai, các chính sách vĩ mô đang được ban hành theo hướng thuận lợi cho thị trường bất động sản như mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống, điều kiện vay mua nhà được nới lỏng, tín dụng cho bất động sản được các ngân hàng đẩy mạnh (tăng 11,5% trong chín tháng đầu năm, vượt xa so với mức tăng chung của toàn hệ thống). Đặc biệt, chính sách cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở Việt Nam đang được Quốc hội thảo luận. Nếu sớm được thông qua trong kỳ họp lần này, đây sẽ là một cú hích đối với phân khúc trung và cao cấp (vốn đang có tỷ lệ tồn kho cao) trong thời gian tới.
Thứ ba, quí 4 thường là quí cao điểm về ghi nhận doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều công ty thường có những khoản “của để dành” cho quí cuối năm, do vậy khả năng đột biến trong kết quả kinh doanh của một vài doanh nghiệp mang tính chọn lọc trong nhóm ngành này là có. Ngoài ra, so với thị trường chung và các nhóm ngành khác, chỉ số ngành bất động sản có mức tăng khá khiêm tốn từ đầu năm đến nay. Đây sẽ là yếu tố hấp dẫn để dòng tiền quay vòng, tìm đến những mã bất động sản tiềm năng trong quí 4.
Linh Trang (TBKTSG)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.