Văn bản này được Sở Xây dựng gửi cho Công ty Việt Nam Land SSG (chủ đầu tư) và Ban quản trị tòa nhà Ruby thuộc chung cư Saigon Pearl sau vụ việc đại diện cư dân tòa nhà dọa cắt nước doanh nghiệp nếu trì hoãn nộp 5 tỷ đồng phí bảo trì còn nợ.
Theo đó, thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình khu dân cư phức hợp sông Sài Gòn giai đoạn một được duyệt vào tháng 10/2006. Trong khi đó, Luật Nhà ở ban hành năm 2005 và có hiệu lực vào tháng 7/2006 nên nơi để xe của khu phức hợp này – bao gồm các tầng hầm – được xác định thuộc sở hữu chung.
Trường hợp hồ sơ thẩm định thiết kế của khu phức hợp Saigon Pearl có phân định tầng hầm phục vụ cho khu thương mại thì phần diện tích này thuộc sở hữu của chủ đầu tư.
Theo Sở Xây dựng, tầng hầm khu phức hợp Saigon Pearl thuộc sở hữu chung và chủ đầu tư dự án này phải nộp 2% quỹ bảo trì cho khu thương mại họ đang sở hữu. Ảnh: Vũ Lê |
Về đóng góp kinh phí bảo trì 2% cho khu thương mại, Sở Xây dựng cho biết, căn cứ điều 51 trong Nghị định 71 của Chính phủ, phần diện tích văn phòng, siêu thị, dịch vụ trong nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp thì được xem là phần diện tích nhà ở. Nếu chủ đầu tư có sở hữu khu vực này phải đóng phí bảo trì 2% trên tổng giá trị tài sản.
Cuối tháng 9, ngoài việc buộc Công ty SSG nộp đủ khoản tiền phí bảo trì 5 tỷ đồng, Ban quản trị các tòa nhà thuộc chung cư Saigon Pearl chuẩn bị lên kế hoạch đòi lại quyền quản lý tầng hầm (các bãi giữ xe). Trước nay, chủ đầu tư toàn quyền quản lý khu vực này và đã không ít lần xảy ra tranh chấp, dọa cắt nước sinh hoạt vì nợ phí, kiện cáo lên chính quyền địa phương.
Khu phức hợp Saigon Pearl tọa lạc tại quận Bình Thạnh, TP HCM, gồm 126 khu biệt thự, 8 cao ốc căn hộ 37 tầng, 2 tổ hợp cao ốc văn phòng, khách sạn, khu thương mại và các công trình tiện ích chung khác. Các tòa tháp chung cư thuộc khu phức hợp này đã bàn giao được 5 năm.
Nằm sát bờ sông Sài Gòn, nhìn ra phía trước là cầu Thủ Thiêm, dự án khởi công từ năm 2005 trên tổng diện tích 10,37 ha, tổng vốn đầu tư cho 2 giai đoạn hơn 750 triệu USD.
Vũ Lê