Việt Nam đang thừa nhiều sản phẩm lúa gạo chất lượng thấp

Tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ” do Liên minh Nông nghiệp tổ chức sáng nay (21/10), nhóm nghiên cứu đã đi sâu phân tích từng mắt xích trong chuỗi sản xuất lúa gạo.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách Kinh tế (VERP), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết thị trường xuất khẩu – đầu ra cuối cùng của lúa sản phẩm gạo là mắt xích quyết định toàn bộ các vấn đề của ngành tại Việt Nam.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu vì lợi ích riêng luôn muốn duy trì chính sách tăng sản lượng tối đa để xuất khẩu. Điều này đã dẫn đến việc khai thác đất tối đa phục vụ tăng sản lượng, thiếu chọn lọc về giống và chất lượng… Điều này đe dọa sự phát triển bền vững của ngành tại Việt Nam. Thực tế này đang diễn ra hầu khắp các địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long.

gao-8236-1413863232.jpg

Lúa gạo Việt Nam đang thừa sản phẩm chất lượng thấp.

“Do được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau từ ngân sách Nhà nước nên ngành lúa gạo Việt Nam đang có xu hướng sản xuất thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp. Điều này đồng nghĩa một thực tế là người đóng thuế Việt Nam đang trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài đối với lúa gạo Việt Nam”, Tiến sĩ Thành cho hay.

Giám đốc VERP cho rằng Nhà nước nên tính đủ phần trợ cấp vào giá gạo xuất khẩu để phản ánh đúng chi phí sản xuất và đảm bảo quyền lợi của người dân. Xuất khẩu chú trọng vào tăng giá thay vì sản lượng mới tạo ra động lực cho doanh nghiệp và người nông dân chủ động đầu tư. Cùng đó, người sản xuất cần thay đổi công nghệ, lựa chọn giống lúa thuần chủng chất lượng cao làm tăng tính cạnh tranh và tạo dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo Việt Nam.

Theo nhóm nghiên cứu cần thiết giảm số lượng nông dân, tích tụ ruộng đất về tăng năng suất. Hiện nay, đa phần nông dân đang loay hoay với sự lựa chọn ở lại làm ruộng thì thu nhập không đủ chi tiêu, ra khỏi ruộng đất thì không có nhiều cơ hội trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. “Điều này bộc lộ điểm yếu trong mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam khi khu vực công nghiệp và dịch vụ không đủ tạo cầu về lao động, giúp người nông dân rút khỏi ruộng đất dễ dàng”, kết quả nghiên cứu nêu rõ.

Bên cạnh các khuyến nghị về giá gạo và nâng cao vị thế của nông dân, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp như bãi bỏ thuế VAT với mặt hàng gạo tiêu thụ trong nước tạo công bằng giữa doanh nghiệp phân phối gạo trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu và tiểu thương. Ngoài ra phát triển tài chính vi mô và bảo hiểm cho người nông dân giúp họ bớt phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng đầu vào…

Thành Tâm

Trả lời

0913.756.339