Ủy ban Giám sát Tài chính: Ngân sách có thể hụt thu 43.000 tỷ đồng vì giá dầu

Trong Báo cáo tình hình kinh tế năm 2014 và triển vọng năm 2015 vừa công bố, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm khả quan, sự ổn định được duy trì vững chắc, tăng trưởng phục hồi rõ nét và đồng đều, thị trường tài chính chuyển biến tích cực, cân đối ngân sách được cải thiện, khó khăn của của doanh nghiệp và hộ gia đình cũng giảm bớt…

gia-dau-5622-1419919602.jpg

Giá dầu giảm sẽ tác động lên thu ngân sách nhưng cũng là điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Sang năm 2015, trong bối cảnh kinh tế thế giới trên đà phục hồi, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đạt được kết quả nhất định về cải cách và đang có dấu hiệu tốt dần lên, kinh tế Việt Nam cũng được dự báo sáng sủa hơn. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi do sự cải thiện về tiêu dùng và đầu tư tư nhân, tăng trưởng trong năm vẫn còn những khó khăn do kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và không ít bất trắc; giá dầu giảm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách và khả năng đáp ứng vốn cho đầu tư phát triển; giá hàng hóa thế giới giảm, trong khi tốc độ tăng xuất khẩu đang có xu hướng giảm nhanh, nhất là khu vực nước ngoài. 

Với dự báo giá dầu bình quân năm 2015 là 60 USD một thùng, Ủy ban Giám sát Tài chính dự báo thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô sẽ hụt 37.000 tỷ đồng so với dự toán, tương đương 4% tổng thu ngân sách và giảm 47% so với ước thực hiện năm 2014. Giả định các mức thuế nhập khẩu và phí xăng dầu giữ nguyên như đầu năm 2014, với giá dầu như trên, thu ngân sách sẽ hụt thêm khoảng 6.000 tỷ đồng.

“Tổng mức hụt thu ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu và thuế, phí nhập khẩu dầu vào khoảng 43.000 tỷ đồng, bằng 4,6% tổng thu ngân sách năm 2015”, báo cáo phản ánh.

Ở khía cạnh khác, cơ quan này lạc quan cho rằng với dự báo giá dầu thế giới giảm 33% và giả định xăng dầu trong nước giảm tương ứng, giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%, tạo điều kiện thúc đẩy tổng cung, tổng cầu.

Từ đó, Ủy ban khuyến nghị cần tận dụng thời cơ giá xăng dầu giảm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất. “Thuế nhập khẩu, phí nhập khẩu xăng dầu cần đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm nguồn thu ngân sách và mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính sách quản lý giá cần biện pháp điều chỉnh giá bán thích hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm giá thành”, báo cáo cho hay.

Đánh giá tổng quát, Ủy ban Giám sát tài chính nhận định năm 2015 nền kinh tế tiếp tục xu thế phục hồi tăng trưởng. Dựa trên phân tích định lượng, cơ quan này dự báo tốc độ tăng trưởng quý I/2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ 2014. Xu hướng tăng sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm là khả thi.

tang-truong-JPG-6164-1419919602.jpg

Dự báo tăng trưởng kinh tế các quý năm 2015. Nguồn: NFSC

Lạm phát sẽ không biến động lớn do giá hàng hóa được dự báo giảm và tâm lý người tiêu dùng cũng ổn định hơn. Song, chỉ tiêu này sẽ phụ thuộc vào việc quản lý giá các mặt hàng cơ bản như giá viện phí, học phí, điện, nước… Lạm phát cơ bản không tính đến giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công dự báo khoảng 3%, thấp hơn mục tiêu 5%.

Cán cân thanh toán sẽ duy trì thặng dư, tạo điều kiện cho điều hành tỷ giá. Tuy nhiên, cơ quan này khuyến cáo cần lưu ý một số yếu tố có thể tạo áp lực lên tỷ giá như đôla Mỹ nhiều khả năng tiếp tục đà tăng giá so với ngoại tệ khác kéo theo VND lên giá, lãi suất ngoại tệ cũng khả năng cao hơn.

Để duy trì được tốc độ tăng trưởng dài hạn, các chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, thị trường tài chính, có biện pháp nâng cao năng suất chung của nền kinh tế. Bên cạnh việc tiếp tục tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, Chính phủ cũng cần phải thực hiện tái cơ cấu cả từng ngành, từng doanh nghiệp.

Phương Linh

Để lại một bình luận

0913.756.339