Tương lai nào cho cầu Long Biên?

Cầu Long Biên nên được giữ nguyên kiến trúc như từng có sau Chiến thắng B52 năm 1972?

Trước mắt, Long Biên sẽ trở thành một cây cầu dành cho xe đạp và khách bộ hành. Xa hơn, từ đầu năm 2014, nhiều chuyên gia đã đề xuất biến cây cầu trăm tuổi này thành một điểm nhấn văn hóa lịch sử của Hà Nội, với các ý tưởng như tổ chức trưng bày nghệ thuật trên cầu, thiết lập các dịch vụ du lịch thương mại, phục dựng chín nhịp cầu đã mất.

9 nhịp hay 18 nhịp?

So với thời điểm mới hoàn thành năm 1902, cầu Long Biên hiện tại chỉ còn 9/18 nhịp. Các nhịp cầu còn lại đã bị bom Mỹ phá hỏng năm 1972 và để lại cho cây cầu một hình dạng thiếu cân đối, khi hầu hết các nhịp thép đang nằm lệch về phía nội thành Hà Nội. Bởi vậy, khá nhiều ý kiến đã đề nghị sớm phục dựng lại những nhịp cầu đã mất để mang lại cho Long Biên một kiến trúc hài hòa và bắt mắt như xưa.

Thậm chí, vào năm 2004, hai đơn vị tư vấn của Pháp đã cùng Việt Nam tiến hành lập báo cáo tiền khả thi về kế hoạch này. Theo đó, việc khôi phục lại kiến trúc nguyên bản, đồng thời chỉnh trang, sửa chữa những chi tiết chắp vá trên cầu Long Biên sẽ đòi hỏi một khoản kinh phí ước chừng 200 triệu USD và 5 năm thi công. Tuy nhiên, do việc Long Biên khi ấy vẫn mang chức năng giao thông đường sắt, kế hoạch này chỉ dừng lại tại đó.

Tuy tán thành ý tưởng trên, PGS Nguyễn Văn Huy (Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia) cho rằng, không cần thiết phải phục dựng toàn bộ các nhịp cầu đã mất. “Chúng ta nên chừa lại và để trống ít nhất một nhịp cầu” – ông nói. “Ở vị trí để trống ấy, một trận địa pháo phòng không cần được tái hiện, kèm theo những tư liệu độc đáo về một cầu Long Biên là biểu tượng của Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử chiến thắng B 52 (1972). Cách bố trí như vậy vừa tạo sức hấp dẫn về kiến trúc, vừa không… bỏ quên một phần lịch sử đã làm nên giá trị của cây cầu”.

Trong ý tưởng Cầu Long Biên ngày và đêm từng giành giải nhất cuộc thi Ðánh thức không gian của Hội đồng Anh năm 2009, nhóm tác giả KTS Lại Thành Tín, Ðặng Ngọc Tú còn đi xa hơn, khi đề nghị giữ nguyên hiện trạng của cây cầu này và chỉ gia cố những chi tiết nhỏ đang xuống cấp. Thay cho chín nhịp cầu đã mất, các nhịp cầu “ảo” bằng ánh sáng dựa trên hệ thống dây thép, đèn cao áp, gương cầu tái tạo… sẽ được dựng lại. Vào mỗi đêm, hệ thống ánh sáng đặc biệt này sẽ “vẽ” nên không gian của cầu Long Biên đủ chín nhịp còn lại và tạo thành một chỉnh thể hài hòa giữa lịch sử và hiện tại. Ý tưởng này nhận được sự đánh giá đặc biệt cao của giới chuyên môn và từng được giới thiệu trước Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, do mức đầu tư dự kiến lên tới cả trăm tỷ đồng chưa kể chi phí hoạt động hằng năm, các nhịp cầu bằng ánh sáng này hiện vẫn nằm trên giấy.

Thậm chí, quanh việc xây dựng cây cầu đường sắt mới trong tương lai, một số kiến trúc sư cũng đã lên tiếng đề nghị chú trọng tới mối tương tác với không gian văn hóa của cầu Long Biên cũ. Theo đó, để tránh sự xung đột về kiến trúc và không gian, cây cầu mới nên được thiết kế theo hình thức không có nhịp (tương tự như cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì) hoặc xa xỉ hơn là trở thành một cây cầu có kiến trúc giống tuyệt đối và nằm đối xứng với Long Biên.

Ðừng “tô vẽ” thêm cho Long Biên

Với chiều dài gần 2.000 mét, không ít người tỏ ra lo lắng về việc Long Biên sẽ trở thành một cây cầu “chết” giữa lòng Hà Nội khi cầu đường sắt mới được hoàn thành. Bởi vậy, để “kéo” được du khách đi suốt quãng đường gần 2.000 mét này, KTS Nguyễn Nga từng nhiều lần đề xuất biến Long Biên thành một bảo tàng văn hóa với việc phủ kính lên các nhịp cầu, đặt thêm một số toa xe lửa lên thân cầu để trở thành các quầy hàng cà-phê, dịch vụ lưu niệm, không gian tổ chức sự kiện.

Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia về di sản đã lên tiếng phản đối ý tưởng này với quan điểm: việc khoác thêm cho Long Biên những công năng mới sẽ phá vỡ không gian văn hóa vốn có của nó. “Long Biên hoàn toàn không phù hợp để trở thành một nơi có hoạt động thương mại như vậy. Tại sao chúng ta không nghĩ tới việc tổ chức những không gian văn hóa ở hai đầu cầu, thay vì cái tư duy ngắn hạn là đặt nó lên chính Long Biên?”- KTS Lại Thành Tín nói. “Làm được như vậy, tự thân du khách sẽ có nhu cầu đi bộ hoặc đạp xe qua Long Biên, còn không gian nơi đây vẫn giữ được sự nguyên sơ cần có”.

Theo KTS này, nếu được tổ chức và quản lý tốt, bản thân chợ đầu mối Long Biên (nằm tại phía tây của cầu) hoàn toàn có thể trở thành một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn như những trường hợp tương tự tại Hàn Quốc và Thái-lan. Ngược lại, phần diện tích trống ở đầu cầu phía đông (tại quận Long Biên) cũng có thể được tổ chức thành không gian xanh, hoặc nơi tổ chức các sự kiện văn hóa. Khi ấy, Hà Nội sẽ có một trục đường đi bộ khá hoàn chỉnh từ Hàng Ngang, Hàng Ðào qua tháp nước Hàng Ðậu và cầu Long Biên, có chức năng kết nối các địa điểm văn hóa và sinh thái trong một không gian lịch sử truyền thống.

Có nghĩa, việc biến Long Biên thành một không gian văn hóa đặc thù của Hà Nội cũng cần tới sự đầu tư, tính toán và chuẩn bị công phu để thực hiện từng phần- chứ không chỉ đơn thuần là xây một cây cầu mới và mặc nhiên coi Long Biên là cầu đi bộ.

Việc tổ chức các hoạt động văn hóa trên cầu Long Biên có phải là giải pháp dài hơi để biến cây cầu này thành không gian văn hóa? Ảnh:PHƯƠNG HOA

Trả lời

0913.756.339