TS. Võ Trí Thành: Cơ hội kinh doanh rất yếu

* Lãi suất giảm đáng kể (trước đây là 18-20% đang giảm dần xuống 9-10%, lãi suất của các lĩnh vực ưu đãi chỉ còn 6-7%), nhưng dòng tiền vẫn không chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Theo ông, đâu là xuất phát điểm của những hiện tượng này?

– Về tổng thể có hai lý do: tăng trưởng giảm và cơ hội kinh doanh giảm. Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng và tăng tín dụng năm nay cũng rất khó khăn, chưa đạt được mục tiêu đề ra, dù mục tiêu ấy được cho là khá thận trọng trong bối cảnh phải ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ khoảng 10%, trong khi năm 2013 là 12%.

* Thưa, tại sao như vậy?

– Có thể nhìn vào ba điểm. Thứ nhất, kinh tế thế giới phục hồi rất chậm dù một số lĩnh vực, một số ngành vẫn hoạt động ở mức tương đối nên xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng khá cao.

Thứ hai, nếu nhìn vào chỉ số tiêu dùng, rõ ràng trong năm nay các quý sau tiêu dùng tốt hơn quý trước.

Gần đây, chỉ số niềm tin cũng tăng lên, nhưng nhìn chung vẫn thấp hơn đáng kể so với các giai đoạn trước đây, chẳng hạn giai đoạn Việt Nam gia nhập WTO. Nếu trừ đi giá cả thì mức tăng thực tiêu dùng hiện nay chỉ trên 6%, thay vì trên 10% như trước đây sau hai năm giảm liên tiếp.

Thứ ba, nhìn vào đầu tư là rõ hơn cả. Trước đây, đầu tư chiếm trên 40% GDP, thậm chí năm 2007, mức đầu tư tăng trên 46% GDP, nhưng năm nay, mức tổng đầu tư xã hội chỉ trên 30% , một mức giảm quá cao.

Tình hình hiện nay, nói một cách dễ hiểu, người có tiền vẫn không biết làm gì. Điều đó đã dẫn đến một hiện tượng: Việt Nam trước đây tiết kiệm trên 30% GDP nhưng đầu tư trên 40% nên phải dựa nhiều vào các nguồn bên ngoài, như ODA, FDI, để bù đắp khoảng cách giữa tiết kiệm trong nước và đầu tư.

Bây giờ tiết kiệm trong nước vẫn giữ ở mức khoảng 30%, nhưng đầu tư giảm xuống khoảng 30% trong khi Nhà nước vẫn tiếp tục phải dùng các khoản bên ngoài để bù đắp.

Điều đó cho thấy, cơ hội kinh doanh rất yếu phản ảnh qua các chỉ số, qua tiết kiệm và đầu tư. Mặt khác, với những doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh, muốn tiếp cận vốn, lại vướng vào nợ xấu, mà việc xử lý nợ xấu lại đang rất chậm.

* Nhưng cần làm gì để dòng tiền hướng vào sản xuất kinh doanh, thưa ông?

– Xử lý vấn đề này phụ thuộc vào ba nhân tố. Thứ nhất, sự phục hồi của kinh tế thế giới, vì nền kinh tế Việt Nam rất mở. Thứ hai, phụ thuộc vào bối cảnh phục hồi kinh tế trong nước.

Thứ ba, sự phục hồi lòng tin. Nếu tin ngày mai trời sẽ sáng, người ta sẽ đầu tư nhiều hơn vào sản xuất, kinh doanh thay vì giữ tài sản tài chính. Tuy nhiên, lòng tin ngày mai ấy lại phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô, vào việc hội nhập, vào việc thuận lợi hóa kinh doanh như thế nào và tái cấu trúc nền kinh tế có mạnh mẽ hay không.

Một điểm phụ thuộc mang tính quyết định nữa là xử lý nợ xấu, làm gì để đẩy nhanh được quá trình xử lý nợ xấu, làm sao để tăng cường năng lực cho VAMC…

Quốc hội đang chuẩn bị sửa đổi những văn bản pháp lý để tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản đảm bảo, tạo thuận lợi cho việc phát triển thị trường mua bán nợ và cuối cùng mở rộng hơn sự tham gia của người dân vào thị trường ấy, trong đó có cả mở cửa hơn cho người nước ngoài được sở hữu bất động sản ở Việt Nam.

* Cảm ơn ông!

Hải Vân (DNSG)

Để lại một bình luận

0913.756.339