Chị Nguyễn Thị Thúy Nhã cho biết, ngoài căn hộ của chị, còn nhiều căn khác cũng có cửa sổ nằm gần hành lang nên kẻ trộm dễ dàng trèo vào nhà nếu sơ ý không khóa cửa. Ảnh: Việt Văn
Mới đây, căn hộ của chị Nguyễn Thị Thúy Nhã (SN 1984, ngụ chung cư Thủ Thiêm Xanh, quận 2) bị người lạ đột nhập vào lấy nhiều tài sản. Kẻ trộm từ cầu thang bộ, trèo vào căn hộ qua vị trí ban công. Trộm lục tung đồ đạc nhà chị Nhã lấy đi máy tính bảng iPad, điện thoại, tiền và vàng với tổng trị giá gần 30 triệu đồng.
“Tối hôm đó (25/9), chồng tôi đi làm xa tôi lo lắng khóa cửa cẩn thận trước khi ngủ. Đến tầm rạng sáng, tôi nghe có tiếng động lạ ở trong nhà. Sau đó, cánh cửa phòng từ từ mở ra, một dáng người lạ bước vào. Lúc này tôi vô cùng hoảng sợ nhưng cố gắng nằm im như ngủ. Người này đến ngăn tủ bàn lục đồ đạc rồi nhanh chân rời khỏi phòng. Biết là có trộm đột nhập nhưng tôi không dám hô hoán, trong đầu nghĩ thôi cứ để nó lấy gì được thì lấy. Sợ la lên rồi nó làm bậy thì nguy hiểm tính mạng mẹ con mình”, chị Nhã nhớ lại.
Cũng bằng cách leo trèo đột nhập vào căn hộ như “người nhện”, kẻ trộm tiếp tục “viếng thăm” một số căn khác. Có căn hộ trộm “viếng” nhiều lần. Chỉ chưa đầy một tháng, căn hộ của chị Vy (29 tuổi, ngụ chung cư Thủ Thiêm Xanh, quận 2) bị trộm đột nhập hai lần.
Chị Vy kể: “Lần đầu số tài sản bị mất không đáng kể. Lần thứ hai là vào ngày 10/10, tên trộm cũng đột nhập căn hộ từ ban công. Trong nhà lúc đó có năm người đang ngủ say không ai hay biết. Đến sáng hôm sau tôi mới phát hiện nhiều tài sản bị mất, trần nhà đầy dấu vết tay chân của tên trộm để lại”.
Anh Võ Văn Phúc (ngụ ở chung cư B27, quận 2) cho biết, căn hộ anh vừa bị trộm bẻ khóa. “Bọn trộm táo tợn bẻ khóa cửa chính để vào. Hoảng sợ trước vấn nạn này, tôi đã cho lắp thêm một cửa sắt ở bên ngoài để gia cố. Cứ mỗi khi rời khỏi nhà, tôi đều sử dụng bốn ổ khóa để khóa cửa. Hầu như ở chung cư này, nhà nào cũng lắp thêm cửa phụ và trang bị từ ba ổ khóa trở lên”, anh Phúc nói.
Khó bắt…
“Ngay sau khi trộm đột nhập vào căn hộ chị Vy, đại diện ban quản lý phối hợp với công an đến kiểm tra, khám nghiệm và lấy vết vân tay. Tuy nhiên, đến nay, công an cũng chỉ dừng lại ở việc khoanh vùng đối tượng và tiếp tục theo dõi chứ chưa bắt được kẻ trộm”, ông Phạm Trọng Phú (Trưởng Ban quản lý chung cư Thủ Thiêm Xanh, quận 2) cho biết.
Ông Phú phân trần: “Kẻ trộm có thể là người ở chung cư nên mới nắm rõ tình hình nhà nào có tài sản, có người ở nhà mà lên kế hoạch đột nhập. Phải nói loại trộm này rất khó bắt, bởi họ theo dõi được lực lượng bảo vệ chung cư. Hơn nữa, nhiều căn được chủ cho thuê lại nên số người đến ở và dọn đi khó nắm bắt”, ông Phú nói.
Ông Đặng Thịnh (phụ trách ban quản lý chung cư B27, quận 2) cho rằng, kẻ trộm không phải từ bên ngoài vào, mà là người ở trong chung cư nên khi phát hiện thì họ bỏ chạy về phòng và mất dấu vết.
Trước những vấn đề bất an về trộm cắp tài sản xảy ra ở chung cư, đại diện ban quản lý chung cư Thủ Thiêm Xanh cũng thừa nhận một phần trách nhiệm về khâu quản lý chưa chặt chẽ. “Tuy nhiên, ngay khi người dân phản ánh tình trạng mất trộm thì phía ban quản lý đã tăng cường giám sát, lắp đặt 3 đèn chiếu ở vị trí cầu thang bộ lên chung cư, nơi trộm dễ trèo vào nhà. Đồng thời bố trí bảo vệ chốt ở các vị trí này 24/24”, ông Phạm Trọng Phú cho biết.
Ngoài ra, chung cư cũng yêu cầu các hộ dân lắp đặt khung sắt ở vị trí cửa ban công để tránh tình trạng trộm lợi dụng thiết kế khoảng trống ở vị trí ban công với hành lang, cầu thang mà trèo vào. Kể từ khi mất trộm, phía chung cư đã thông báo cho các hộ cần lắp thêm song sắt ở các vị trí này.
Văn Minh (Tiền Phong)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.