Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cao thứ 2 thế giới

Chiều 13/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri huyện An Lão, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII. 

Cử tri Phạm Văn Tấn (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Lão) nêu kiến nghị: Chủ trương của Đảng, Nhà nước giữ lại 3,8 triệu ha đất nông nghiệp để canh tác trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, tuy nhiên hiện nay giá trị sản xuất cây lúa không cao, giá trị lợi nhuận trung bình chỉ đạt 17 triệu đồng một ha. Trong khi đó để làm ra hạt thóc, chúng ta vẫn phải nhập khẩu con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Để người nông dân yên tâm sản xuất, không bỏ hoang đất, ông đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ; cho người nông dân chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang sản xuất cây trồng, chăn nuôi cho năng suất, hiệu quả cao hơn.

Cử tri Tấn cũng nêu những bất cập trong việc thực hiện chương trình nông thôn mới. Chẳng hạn vốn đầu tư trực tiếp cho các công trình khá thấp, tỷ lệ đóng góp của người dân còn cao so với mức sống, kiến nghị Chính phủ sớm có biện pháp tháo gỡ.

Cử tri Phạm Thị Hoa (xã Mỹ Đức) nêu băn khoăn về chương trình xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội còn nhiều hạn chế, dẫn đến năng suất lao động kém, thu nhập người lao động không cao

thutuong-7272-1418473893.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hải Phòng. Ảnh: Giang Chinh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh, đánh giá cao và tiếp thu các kiến nghị của cử tri. Ông cho hay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,9%, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra (5,8%) và cao hơn năm 2013 (5,42%), đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao thứ 2 trên thế giới (chỉ đứng sau Trung Quốc).

Cùng với đó, trong năm 2014, công cuộc cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng đạt được những tiến bộ đáng kể. Công tác bảo đảm an ninh – quốc phòng được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững, tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, năm 2015, Thủ tướng nêu 7 nhóm giải pháp nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung cao cho 4 nhiệm vụ: Thứ nhất, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi đây là nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, làm giảm lạm phát.

Giải pháp thứ hai là tiếp tục tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, với mục tiêu phấn đấu GDP năm 2015 đạt cao hơn năm 2014 (dự kiến đạt 6,2%).

Thứ ba, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các khâu đột phá chiến lược, hoàn thiện về thể chế, cơ chế, hệ thống pháp luật, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; quản lý tốt về giá cả, tạo sự minh bạch để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thứ tư là đột phá đào tạo nguồn nhân lực, góp phần tạo ra nhiều lao động có tay nghề và trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước; thúc đẩy dịch vụ nông nghiệp và công nghiệp…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu mang tính bắt buộc với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội đất nước, trong đó con người luôn là nhân tố quyết định. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu năm 2015 đạt tỷ lệ trên 50% lao động được đào tạo.

Người đứng đầu Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép thành phố Hải Phòng tiếp tục mở rộng Khu công nghiệp Tràng Duệ và lưu ý thành phố quan tâm đến hiệu quả đầu tư cũng như việc bố trí nguồn lao động đạt chất lượng vào làm việc tại khu công nghiệp này. Thu hồi đất của dân, Thủ tướng yêu cầu thành phố Hải Phòng phải tạo việc làm cho người bị mất đất canh tác.

Giang Chinh

Để lại một bình luận

0913.756.339