Vào 18h ngày 13/10 (giờ Hà Nội), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố chủ nhân của giải Nobel Kinh tế học năm nay, thuộc về nhà khoa học người Pháp – Jean Tirole. Nghiên cứu đạt giải của ông đề cập về cách thức quản lý các tập đoàn, công ty lớn trên thị trường.
Cũng như những người đoạt giải Nobel khác, nhà khoa học này sẽ được trao giải thưởng trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,1 triệu USD).
Jean Tirole – nhà khoa học Pháp nhận Nobel Kinh tế năm nay. Ảnh: AFP |
Jean Tirole sinh năm 1953 tại Troyes (Pháp) và lấy bằng Tiến sĩ năm 1981 tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT – Mỹ) . Ông hiện là Giám đốc Khoa học tại Học viện Công nghiệp Kinh tế, thuộc Trường Kinh tế Toulouse, Đại học Toulouse 1 Capitole (Pháp).
Tirole được đánh giá là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay. Ông đã có nhiều nghiên cứu quan trọng trong một số lĩnh vực. Nhưng đáng kể nhất là tìm ra cách hiểu và quản lý các ngành công nghiệp bị thống trị bởi số ít các công ty.
Hiện nay, rất nhiều ngành trên thế giới chỉ do vài công ty thao túng, hoặc thậm chí độc quyền. Nếu không quản lý, thị trường sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề không mong muốn, như giá sản phẩm cao hay công ty mới không thể thâm nhập.
Từ thập niên 80, Jean Tirole đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề này. Các phân tích của ông về những công ty nắm quyền lực lớn trên thị trường đã giúp giải quyết vấn đề “Làm thế nào Chính phủ có thể quản lý các vụ mua bán sáp nhập hoặc các tập đoàn lớn?” và “Làm thế nào để quản lý các công ty độc quyền”.
Trước Tirole, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã luôn tìm cách đặt ra quy định cho tất cả ngành công nghiệp. Họ ưu tiên các chính sách đơn giản, như áp giá trần cho các công ty độc quyền hay cấm các đối thủ hợp tác với nhau, đồng thời cho phép liên kết giữa các công ty có vai trò khác nhau trong chuỗi giá trị.
Tirole đã chỉ ra các biện pháp này có thể hoạt động tốt trong một số điều kiện nhất định, nhưng sẽ khiến thị trường tổn thương trong những trường hợp còn lại. Áp giá trần có thể khiến các công ty tìm cách giảm chi phí. Việc này tốt cho xã hội. Nhưng cũng sẽ khiến lợi nhuận của công ty tăng vọt. Điều này cũng lại có hại với xã hội. Hợp tác thao túng giá trên thị trường là có hại, nhưng hợp tác về sáng chế lại có lợi. Việc sáp nhập một công ty với nhà cung cấp của chính họ có thể thúc đẩy sáng tạo, nhưng cũng sẽ bóp méo cạnh tranh.
Chính sách quản lý sẽ là tốt nhất nếu được áp dụng thận trọng tùy từng ngành công nghiệp. Trong nhiều bài báo và tựa sách, Jean Tirole đã đưa ra một khung thiết kế chính sách chung, áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp, từ viễn thông đến ngân hàng. Dựa trên các nghiên cứu này, Chính phủ các nước sẽ có biện pháp tốt hơn để khuyến khích các công ty lớn vừa tăng năng suất, mà lại không gây hại đến đối thủ và khách hàng.
Trước đó, năm 2013, Nobel Kinh tế được trao cho 3 nhà khoa học người Mỹ là ông Eugene F. Fama – Đại học Chicago (Mỹ), ông Lars Peter Hansen – Đại học Chicago (Mỹ) và ông Robert J. Shiller – Đại học Yale (Mỹ) vì công trình phân tích giá tài sản.
Danh sách những người từng đoạt giải Nobel Kinh tế các năm 1993 – 2013:
Năm | Người đạt giải | Công trình | Quốc gia |
2013 | Eugene F. Fama, Lars Peter Hansen, Robert J. Shiller | Phân tích giá tài sản | Mỹ |
2012 | Alvivin E.Roth và Lloyd S.Shapley | Lý thuyết phân phối ổn định và thực tiễn về tạo lập thị trường | Mỹ |
2011 | Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims | Mối quan hệ giữa chính sách kinh tế vĩ mô và tác động của chúng lên nền kinh tế | Mỹ |
2010 | Peter A. Diamond, Dale T. Mortensen và Christopher A. Pissarides | Công thức mới cho sự tương tác trên thị trường, giữa bên có hàng hóa, dịch vụ, việc làm… với bên đi tìm kiếm. | Anh và Mỹ |
2009 | Elinor Ostrom và Oliver E. Williamson | Phương thức điều hành nền kinh tế | Mỹ |
2008 | Paul Krugman | Tác động của lợi thế quy mô tới các mô hình thương mại và địa điểm diễn ra các hoạt động kinh tế | Mỹ |
2007 | Leonid Hurwicz, Eric S. Maskin và Roger B. Myerson | Học thuyết phác thảo cơ chế | Mỹ |
2006 | Edmund S. Phelps | Mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp | Mỹ |
2005 | Robert J. Aumann và Thomas C. Schelling | Xung đột và hợp tác thông qua phân tích “Lý thuyết trò chơi” | Mỹ |
2004 | Finn E. Kydland và Edward C. Prescott | Sự thống nhất về thời gian của chính sách kinh tế và lực đẩy phía sau chu kỳ kinh doanh | Na-uy và Mỹ |
2003 | Robert F. Engle III và Clive W.J. Granger | Phân tích số liệu kinh tế theo chuỗi thời gian ARCH và đồng hợp nhất | Anh và Mỹ |
2002 | Daniel Kahneman và Vernon L. Smith | Ứng dụng tâm lý học vào kinh tế và Phân tích kinh tế thực nghiệm | Mỹ |
2001 | George A. Akerlof, A. Michael Spence và Joseph E. Stiglitz | Phân tích thị trường với thông tin phi đối xứng | Mỹ |
2000 | James J. Heckman và Daniel L. McFadden | Lý thuyết và phương pháp phân tích lựa chọn rời rạc | Mỹ |
1999 | Robert A. Mundell | Chính sách tiền tệ và tài khóa dưới các cơ chế tỷ giá hối hoái khác nhau | Canada |
1998 | Amartya Sen | Cơ cấu kinh tế ẩn dưới nạn đói và nạn nghèo | Ấn Độ |
1997 | Robert C. Merton và Myron S. Scholes | Phương pháp định giá công cụ tài chính phái sinh mới | Mỹ |
1996 | James A. Mirrlees và William Vickrey | Lý thuyết động cơ kinh tế theo thông tin phi đối xứng | Anh và Mỹ |
1995 | Robert E. Lucas Jr. | Phát triển và ứng dụng giả thuyết về dự tính duy lý | Mỹ |
1994 | John C. Harsanyi, John F. Nash Jr. và Reinhard Selten | Lý luận về phân tích cân bằng trò chơi phi hợp tác | Mỹ và Đức |
1993 | Robert W. Fogel và Douglass C. North | Áp dụng lý thuyết kinh tế và phương pháp định lượng trong giải thích các thay đổi về kinh tế và tổ chức | Mỹ |
Hà Thu