12/3 sẽ là ngày đánh dấu Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, sau khi đại hội cổ đông lần đầu bầu ra ban lãnh đạo mới và thông qua điều lệ hoạt động.
Với việc cổ đông Nhà nước vẫn đang nắm gần 95%, không khó để dự đoán hai vị trí cao nhất tại hãng hàng không quốc gia tiếp tục là người cũ, theo giới thiệu của bộ chủ quản. Theo đó, ông Phạm Viết Thanh được Nhà nước giao đại diện cho 35% vốn điều lệ tại doanh nghiệp, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Trong khi ông Phạm Ngọc Minh sẽ đại diện 30% vốn điều lệ sẽ tham gia ứng cử Thành viên Hội đồng quản trị, giữ ghế Tổng giám đốc.
Nhân sự chủ chốt không thay đổi, nhưng chiến lược phát triển của Công ty cổ phần Tổng công ty Hàng không 4 năm tới đây được cho là có nhiều đột phá. Trong năm đầu tiên chuyển sang mô hình mới – 2015 – Vietnam Airlines đặt mục tiêu khiêm tốn, hầu như không thay đổi so với năm ngoái. Chẳng hạn vận chuyển khách 16,7 triệu lượt, tổng doanh thu 55.000 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ 179,8 tỷ đồng.
Vietnam Airlines sơn luôn biểu tượng hoa sen, màu sắc và mẫu chữ mới cho dòng máy bay chiến lược A350 sắp về. Ảnh: Quý Đoàn |
Nhưng cũng năm 2015, Vietnam Airline triển khai kế hoạch đầu tư lớn chưa từng có với gần 23.000 tỷ đồng được tung ra, tăng 244%. Hơn 92% trong số này để phục vụ cho kế hoạch trẻ hóa đội tàu bay với việc mang về 12 chiếc mới.
Dự kiến, đến tháng 5/2015, Vietnam Airlines sẽ khai thác hai dòng máy bay thân rộng thế hệ mới, hiện đại của thế giới là Airbus A350-900 và Boeing 787-9 để trở thành hãng đầu tiên ở Châu Á đồng thời đưa vào khai thác cùng một lúc hai loại máy bay này.
Đây cũng là năm mà hãng quyết tâm đột phá, tăng năng suất lao động 3,5% so với năm 2014 và nâng cao chất lượng dịch vụ lên hàng 4 sao.
Dù vậy, các kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu này lại khá mờ nhạt trong báo cáo gửi các cổ đông ngày 12/3 tới.
Câu chuyện năng suất lao động thấp và bộ máy cồng kềnh lên đến hơn 10.000 người đã là một bài toán thúc ép lãnh đạo doanh nghiệp tìm lời giải từ nhiều năm nay. Mới đây, khi câu chuyện phi công bị lôi kéo vì thu nhập thấp hơn một hãng hàng không nội cũng đã phần nào phơi bày câu chuyện này.
Một chuyên gia ví von rằng, số lượng lao động trong 2-3 năm qua gần như không được phép tăng, trong khi vấn đề tăng lương cho phi công là điều cực chẳng đã khiến cho quỹ lương của doanh nghiệp phải co kéo không khác gì một tấm chăn hẹp.
Định hướng chiến lược của tổng công ty giai đoạn 2015 – 2018 nhấn mạnh đến việc xây dựng Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không tiên tiến. Vietnam Airlines đặt mục tiêu vào nhóm đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô, giữ vị thế chi phối trong vận tải hàng không tiểu vùng hợp tác vận tải hàng không giữa Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Đây là thách thức không hề nhỏ với ban lãnh đạo “mới mà cũ”. Sản lượng vận chuyển vẫn tăng trong các năm qua nhưng tại thị trường nội địa, thị phần của Vietnam Airlines đã giảm đáng kể, từ gần 70% vào năm 2012 thì nay chỉ khoảng 55%.
Hai năm gần đây, lãnh đạo hãng nhiều lần thốt lên thị trường hàng không bị cạnh tranh khốc liệt. Trong nước là sự trỗi dậy của hãng bay tư nhân Vietjet trong khi đường bay quốc tế phải san sẻ với các công ty từ Trung Đông.
Trong bối cảnh ấy, việc cổ phần hóa và kỳ vọng sự chung tay của một đối tác chiến lược là hãng hàng không ngoại rất được cổ đông chờ đợi. Tuy nhiên, đến sát thời điểm đại hội, chưa một cái tên cụ thể nào lộ diện. Dự thảo nghị quyết về việc bán 282 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trình cổ đông thông báo rằng, vào ngày 12/3 này, quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa kết thúc. Và điều này dự kiến sẽ còn kéo dài sau thời điểm Tổng công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (31/3/2015) để chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng không ít lần yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành cần thay đổi bản chất quản trị, cách làm chứ không đơn giản dừng ở mức đổi cái tên hay mô hình.
Tại hội thảo về vai trò mới của doanh nghiệp Nhà nước tuần trước, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh bày tỏ sự chưa hài lòng về thay đổi chất lượng trong quá trình cổ phần hóa. Ông Vinh nói tỷ trọng cổ phần bán ra bên ngoài còn thấp, nhất là ở những “ông lớn”. “Với các doanh nghiệp mà nhà nước vẫn nắm tới 95% cổ phần thì hầu như không có thay đổi gì về nhân sự, quản trị bởi Nhà nước vẫn xét duyệt từ đầu đến chân”, Bộ trưởng nhận xét.
Chí Hiếu