Cập nhật gần nhất, tính đến 30/9/2014, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn toàn hệ thống chỉ ở mức 19,04% – nằm sâu dưới giới hạn cho phép 30% – trong bối cảnh huy động vốn liên tục tăng trưởng cao và dư thừa vốn kéo dài.
Đó là việc Ngân hàng Nhà nước nới mạnh giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, từ 30% lên 60%.
Trực quan đơn giản cho thấy: xét các điều kiện và kiểm soát được các điều kiện, Ngân hàng Nhà nước nới mạnh tỷ lệ trên; các ngân hàng thương mại có thêm cơ sở để có thể đẩy mạnh cho vay trung dài hạn; doanh nghiệp có nhu cầu vốn loại này có thêm cơ hội để tiếp cận; rồi lãi suất loại này có thể dễ chịu hơn…
Kỳ thực, đó là những giá trị có phần được mong đợi quá sớm, khi mà dữ liệu thống kê cho thấy vài năm gần đây chưa có thời điểm nào các ngân hàng thương mại thực sự đẩy mạnh sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Miếng ghép nằm ẩn
Cập nhật gần nhất, tính đến 30/9/2014, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn toàn hệ thống chỉ ở mức 19,04% – nằm sâu dưới giới hạn cho phép 30% – trong bối cảnh huy động vốn liên tục tăng trưởng cao và dư thừa vốn kéo dài.
Vậy, vì sao giới hạn 30% hiện có mà còn dùng chưa hết, thực tế nằm sâu dưới ngưỡng đó, mà Ngân hàng Nhà nước lại chủ động nới mạnh lên 60%? Sao lại lo xa đến như vậy?
Theo người viết, câu trả lời lại không nằm trong Thông tư 36.
Thử nhìn sang Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 02 quy định về phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Dường như có một miếng ghép với Thông tư 36 nằm ẩn ở đây.
Theo Thông tư 09, sứ mệnh Quyết định 780 (về cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm) kết thúc nhưng được chuyển tiếp; các tổ chức tín dụng tiếp tục được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho những khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nhưng có phương án trả nợ mới khả thi, có triển vọng phục hồi sản xuất kinh doanh…
Tuy nhiên cơ chế trên đến 1/4/2015 phải kết thúc. Quy mô nợ được cơ cấu lại mà không phải chuyển nhóm được đề cập đến thời gian qua ở khoảng trên dưới 300 nghìn tỷ đồng, lẽ ra đã phải ghi nhận là nợ xấu.
Câu hỏi tiếp theo là: sau 1/4/2015, chính sách cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm nói trên kết thúc, điều gì sẽ xảy ra? Dĩ nhiên các ngân hàng phải ghi nhận đúng nhóm các khoản vẫn không trả được khi đến hạn; các khoản nợ ngắn hạn được cơ cấu lại thì độ trễ ghi nhận nợ xấu càng gần.
Thế nhưng, trước thềm thời hạn trên, Thông tư 36 bắt đầu có hiệu lực từ 1/2/2015, các ngân hàng có thể canh chừng những khoản vay ngắn hạn có nguy cơ trở thành nợ xấu, tiến hành cơ cấu lại mà không phải chuyển nhóm (tất nhiên là phải đảm bảo các điều kiện quy định) và đặc biệt là chuyển thành các khoản vay trung dài hạn để giãn bớt áp lực ghi nhận nợ xấu nói trên, cũng như là cơ hội cho các doanh nghiệp liên quan.
Thời gian qua, cơ chế Thông tư 09 cũng cho phép cơ cấu lại các khoản nợ ngắn hạn thành trung dài hạn, nhưng các ngân hàng phải đảm bảo giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa 30%. Với Thông tư 36, giới hạn này được nâng lên tới 60%, các ngân hàng có điều kiện để có thể mở rộng cơ cấu và chuyển đổi các khoản vay ngắn hạn có nguy cơ trở thành nợ xấu (nhưng có triển vọng trả nợ, có triển vọng phục hồi sản xuất kinh doanh…) thành các khoản vay trung dài hạn mà không ngại chật chội với “room” 30% quy định trước (bởi vẫn phải chừa ra để còn cho vay mới).
Khi đặt hai chính sách trên cạnh nhau như vậy, diễn biến tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống ngân hàng quãng hai tháng giữa hai thời điểm 1/2/2015 (Thông tư 36 có hiệu lực) và 1/4/2015 (cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm kết thúc) sẽ rất đáng chú ý.
Giãn áp lực nợ xấu
Tình huống trên là đáng xem xét. Một mặt nó giúp giãn áp lực ghi nhận nợ xấu từ các khoản vay ngắn hạn có nguy cơ rủi ro, trong bối cảnh Quốc hội đã ra nghị quyết năm tới phải giảm được về dưới 3%.
Mặt khác, các ngân hàng nếu thực hiện như trên cũng bớt áp lực chi phí trích lập dự phòng – điều không chỉ tác động đến chi phí của họ mà còn gián tiếp đội vào lãi suất cho vay.
Với doanh nghiệp, nếu các khoản vay ngắn hạn có nguy cơ trở thành nợ xấu, vì có giới hạn mới của Thông tư 36 mà được cơ cấu lại thành nợ trung dài hạn, thì cũng là lợi ích thiết thực. Doanh nghiệp vay vốn tránh được gánh nặng của lãi phạt nợ quá hạn, có thêm cơ hội thời gian dài hơn để làm ăn và trả nợ, giãn được áp lực có thể bị “đóng dấu” tín nhiệm nếu vẫn theo kỳ trả nợ ngắn hạn trước đó.
Trong tình huống trên, nếu thực tế diễn ra như vậy, có thể sẽ thêm một lần nữa có những quan điểm trái chiều về việc chưa đánh giá đúng thực chất, hay chưa ghi nhận một cách đầy đủ về nợ xấu – điều đã đồng hành với giải pháp VAMC và Quyết định 780 thời gian qua.
Nhưng có một điểm được khẳng định rằng: nếu không có Quyết định 780 cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, không có giải pháp “tạm gửi” sang VAMC, chắc chắn đã có nhiều hơn nữa số doanh nghiệp phải phá sản thời gian qua, nền kinh tế và hệ thống ngân hàng chắc chắn đã nặng nề hơn và khó hồi phục hơn – liên quan là ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Những chính sách đó có thể xem là sự trì hoãn, nhượng bộ, nhưng cũng là những hỗ trợ và cơ hội. Điểm mở và tình huống nói trên từ Thông tư 36 cũng vậy. Chúng đã ra đời và đang tồn tại. Vấn đề là các chủ thể liên quan có tranh thủ và sử dụng chúng đúng, hiệu quả để cùng tốt lên hay không mà thôi.
Minh Đức (VnEconomy)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.