Trẻ em xóm nhà Rầm sống trong môi trường ô nhiễm và đầy hiểm nguy. Ảnh: Hoài Văn
Nhà được dựng lên bằng những manh gỗ ghép nối tứ bề, phía trên lợp tôn sơ sài hoặc vài tấm bạt che. Người già, trẻ nhỏ, ăn ở sinh hoạt vỏn vẹn trong vài mét vuông. Cứ thế, bao thế hệ lớn lên từ xóm nhà Rầm (thuộc khu vực 6, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Lối dẫn vào xóm nhà Rầm được lót bằng những mảnh ván ghép lại với nhau, chỉ vừa đủ một người đi. Nhà ai sắm được xe cộ cũng phải gửi trên mặt đường chính Trần Hưng Đạo. Trước đây, khi chưa có điện, chập tối hầu như không ai dám ra khỏi xóm, sợ sảy chân ngã xuống nước.
Nhà nhỏ nên hầu hết người dân không xây nhà vệ sinh. Rác cũng ít khi được dồn lại để công nhân môi trường xuống gom nên ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ông Trương Văn Dư, Khu vực trưởng khu vực 6, cho biết.
Ba thế hệ nhà bà Phan Thị Nga, tổng cộng 6 người, sống chung trong căn nhà gỗ chừng 15m2. Bà Nga cho biết, gia đình bà ở đây mấy chục năm nay, sinh con đẻ cái, dựng vợ gả chồng cũng quây quần trong xóm nhà Rầm này. “Muốn gả con ở đâu cũng khó. Người ta đến nhà chơi thấy cảnh này mấy ai chịu ưng. Thành ra cứ công nhân lại lấy công nhân, trong xóm yêu thương nhau cưới hỏi rồi thì kéo nhau lên thuyền ra biển mà kiếm ăn”, bà Nga tâm sự.
Cần tái định cư tại chỗ
Ông Đinh Anh Tuấn, Phó chủ tịch phường Hải Cảng, cho biết, xóm nhà Rầm hình thành trước giải phóng, hiện có hơn 300 hộ, phần lớn đánh bắt để mưu sinh. Nguy hiểm luôn rình rập, mùa nắng thì nguy cơ cháy nổ, mưa bão thì nước ngập, gió thốc. Có đợt hỏa hoạn như năm 1999 thiêu cháy hàng chục ngôi nhà.
Ngoài tuyên truyền người dân tự bảo vệ, vào mùa mưa bão, phường lên kế hoạch giúp dân ứng phó như di dời đến vùng an toàn, thành lập đội tình nguyện giúp gia cố nhà cửa…, nhưng đó cũng chỉ là những giải pháp tạm thời. Để ổn định lâu dài, cần thực hiện tái định cư tại chỗ, đổ đất xây nhà vững chãi.
Có hai dự án, kế hoạch liên quan giải tỏa xóm nhà Rầm, là công trình kè chống lấn chiếm, chỉnh trang đô thị khu vực 10, phường Hải Cảng và mở rộng quy hoạch cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên, cả hai đang trong giai đoạn tạm ngưng, chưa được triển khai.
“Địa phương rất khó khăn trong việc quản lý xóm nhà Rầm. Đa số các hộ thuộc diện vi phạm lấn chiếm mặt nước. Bất cập lớn nhất là ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, từ sau khi có dự án lại có thêm nhiều nhà mọc lên. Trong vòng một đêm là xuất hiện một nhà mới, dù địa phương đã tiến hành cưỡng chế tháo gỡ 9 – 10 trường hợp”, ông Tuấn nói.
Hoài văn (Tiền Phong)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.