Tại một số địa phương như tỉnh Cà Mau đang xuất hiện loại hình nhà ở di động với quy mô một trệt một lầu, có cửa chính, cửa sổ tương tự những căn nhà để ở thông thường. Điểm khác biệt là căn nhà được lắp ghép bằng các lá nhôm, bên dưới có bánh xe để di chuyển. Dạng nhà này được cho là giúp người dân tiết kiệm chi phí xây dựng (giá thành mỗi căn 50-200 triệu đồng), dễ dàng di chuyển mà không phải đập bỏ khi bị thu hồi đất… Vấn đề đặt ra: Quy định pháp lý về loại nhà này như thế nào?
Ông QUÁCH HỒNG TUYẾN, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM: Luật chưa quy định đó là nhà ở
Theo định nghĩa của Luật Xây dựng, nhà ở là “công trình xây dựng trên đất ở thuộc quyền sử dụng của cá nhân theo quy định pháp luật”. Ở ta không có truyền thống nhà ở di động hay lối sống du mục, thay vào đó nhà ở phải luôn gắn với mảnh đất cụ thể. Còn giải pháp làm nhà như thế nào, làm móng hay gắn bánh xe thì cơ quan cấp phép xây dựng không can thiệp.
Do nhà di động không gắn với một thửa đất cụ thể nào nên nó không được xem là nhà ở mà chỉ là một phương tiện có sử dụng vật liệu xây dựng. Nhà dạng này không thuộc đối tượng cấp phép xây dựng theo quy định pháp luật.
Một vấn đề quan trọng nữa là nhà ở lưu động được phép đặt ở đâu? Nếu để trong sân một căn nhà có sẵn thì không sao, còn nếu nó được kéo ra ngoài đường, đặt tại công viên, lề đường để người dân mua bán, sinh sống… thì không thể được vì ảnh hưởng đến trật tự xã hội nói chung.
Tôi cho rằng nhà ở di động là một tình huống mới phát sinh trên thực tế và cơ quan quản lý cần suy nghĩ thêm. Giả sử như tại những khu vực cấm xây dựng, thay vì người dân xây nhà không phép rồi bị cưỡng chế tháo dỡ thì họ mua loại nhà lưu động này, khi đó Nhà nước sẽ xử lý ra sao?
Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng loại nhà này có thể phù hợp với một vùng đặc thù nào đó như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa nước lũ chẳng hạn. Còn nếu cho nhà ở lưu động đặt tại đô thị thì rất nhiều thứ cần phải xem xét, điều quan trọng nhất là công trình phải phù hợp mục đích sử dụng đất.
Vật liệu chính làm nên ngôi nhà di động ở Cà Mau là sắt, tôn và nhôm lá. Mỗi căn nhà có diện tích 4 x 6 m, một trệt một lầu. Gầm nhà là những thanh sắt chịu lực, phía dưới gắn bánh xe. Trọng lượng ngôi nhà dao động 2,6-2,8 tấn. Ảnh: TRẦN VŨ
TS-KTS VÕ KIM CƯƠNG: Sẽ rất phức tạp nếu đặt tại đô thị
Lâu nay pháp luật đất đai, xây dựng luôn gắn nhà với đất. Nếu tách biệt ra thì đất đai liên quan đến yếu tố quy hoạch, còn công trình xây dựng liên quan đến kiến trúc cảnh quan.
Ở những vùng nông thôn không đòi hỏi nghiêm ngặt về cảnh quan thì nhà ở lưu động như trường hợp ở Cà Mau là một sáng kiến tốt cho người dân. Chẳng hạn tại vùng thường ngập lụt, khi lũ về người dân sẽ kéo nhà đi thay vì phải sơ tán đồ đạc. Do đó, nhà ở lưu động tại đây là một hình thức hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên, tại một đô thị thì phức tạp hơn vì sẽ liên quan rất nhiều tới kiến trúc cảnh quan, quy hoạch, mục đích sử dụng của thửa đất.
Tôi cho rằng dù được chấp nhận thì nhà ở kiểu di động cũng phải có sự quản lý, tức là có cấp phép và trình báo chính quyền khi sử dụng vào mục đích để ở vì lúc này nó đã gắn với một mảnh đất cụ thể.
Kỹ sư NGUYỄN VĂN ĐỰC, Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế Tân: Luật không theo kịp thực tế
Nhà ở lưu động là loại hình rất phổ biến tại nước ngoài. Đây là dạng nhà ở mang tính chất tạm thời hoặc được cho thuê để sử dụng khi dã ngoại, người ta đi đâu kéo nhà theo đến đó. Ở Việt Nam, cách đây ít lâu từng có một kiến trúc sư lên ý tưởng thiết kế nhà lưu động để giúp đồng bào chống lũ. Hay ở quận 2, TP.HCM có kiểu nhà ráp từ vỏ container… Do pháp luật xây dựng không theo kịp thực tế nên chưa đặt ra hướng xử lý những tình huống này, dẫn tới việc không có quy chuẩn xây dựng cho nhà ở lưu động mà là sự tự phát của người dân.
Tôi cho rằng người dân được làm những gì pháp luật không cấm, do đó trong trường hợp này không thể nói họ sai hay cấm đoán. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải soạn giúp người dân những tiêu chuẩn xây dựng cho nhà lưu động.
Tôi rất ủng hộ những người có ý tưởng mới mẻ như trên. Tuy nhiên, ý tưởng này có thành công hay không thì còn phải xem lại, bởi nhà ở liên quan đến rất nhiều yếu tố như thói quen, văn hóa của người dân rồi giá thành, sự tiện nghi, an toàn. Chẳng hạn tuy giá rẻ nhưng nhà nóng quá hay vách mong manh quá dễ bị trộm… thì người mua cũng sẽ ngại. Nói chung thành công hay thất bại sẽ tùy thuộc vào quan hệ trên thị trường.
Ông PHAN THANH NGỌC, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Tân Phú: Vẫn phải quản lý nhà ở lưu động
Chiếu theo luật thì nhà ở lưu động không thuộc diện công trình phải xin phép xây dựng. Tuy nhiên, loại nhà này đang làm nảy sinh nhiều tranh cãi trên thực tế, chẳng hạn trường hợp nhà container bị cưỡng chế tháo dỡ tại Hóc Môn mà Pháp Luật TP.HCM vừa phản ánh.
Tôi cho rằng nhà ở dù là lưu động nhưng khi có phát sinh yếu tố cư ngụ thì phải có sự quản lý nhất định. Cụ thể, người sử dụng phải báo cáo để chính quyền địa phương xem xét có cho phép đặt nhà ở lưu động tại mảnh đất này hay không. Nếu nhà ở lưu động mà tràn lan thì sẽ ảnh hưởng đến trật tự an ninh, cơ sở hạ tầng rồi biến tướng thành nhà xây dựng không phép cố định…
Cẩm Tú (Pháp Luật TPHCM)