Gỡ vướng gói 30.000 tỷ đồng
Mục tiêu của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là tạo cú hích cho thị trường BĐS, theo đó phải nhanh chóng giải ngân gói hỗ trợ này để đưa nguồn vốn vào thị trường. Gói tín dụng này được đưa ra trong bối cảnh thị trường BĐS đang ở đáy khi tất cả chủ thể tham gia đều lâm vào tình thế khó khăn.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được hơn 16%. Trong khi đó, theo mục tiêu ban đầu, gói tín dụng này sẽ hoàn thành giải ngân vào 1-6-2016, sau đúng 3 năm triển khai (1-6-2013). Trước tình hình này, Chính phủ ban hành tiếp Nghị quyết 61 để thúc đẩy giải ngân gói 30.000 tỷ đồng bằng cách cho nhiều NHTM tham gia, nâng số ngân hàng lên con số 15, thay vì chỉ 5 ngân hàng so với thời gian đầu triển khai. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục vay cũng được đơn giản hóa.
Thí dụ, trước kia tiêu chuẩn căn hộ dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2… nhưng nay chỉ cần giá bán căn hộ dưới 1 tỷ 50 triệu đồng là được hỗ trợ từ gói này. Hoặc cho phép cán bộ công chức nhà nước, lực lượng vũ trang đã có nền nhà được vay khoảng 700 triệu đồng để xây nhà; cho phép những chủ nhà trọ vay tiền để sửa chữa, nâng cấp nhà trọ cho sinh viên, công nhân thuê…
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Hiệp hội BĐS TPHCM đề nghị NHNN xem xét hạ lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội xuống 3-3,5%/năm, đồng thời kiến nghị tăng thêm thời gian vay lên 20 năm so với 15 năm như hiện nay và cho đối tượng vay mua nhà thời gian ân hạn 3 năm đầu không phải trả lãi gốc. |
Tuy nhiên, những đột phá mới của Chính phủ đối với gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vẫn gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc trong thực tế. Thí dụ, trong việc thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, Hiệp hội BĐS TPHCM đã đề nghị từ tháng 3-2013 nhưng không được chấp nhận, mãi đến tháng 4-2014 mới có thông tư liên tịch NHNN – Bộ Tư pháp – Bộ Xây dựng – Bộ Tài nguyên – Môi trường cho phép thực hiện thế chấp tài sản hình thành trong tương lai và sau đó được đưa vào Luật Nhà ở.
Vướng mắc nữa vẫn chưa được tháo gỡ là việc kê khai tình trạng nhà đất của người muốn mua nhà ở xã hội. Đó là việc người dân đứng ra tự kê khai và chịu trách nhiệm về kê khai của mình, UBND phường xã nơi đối tượng lưu trú chỉ ký tên đóng dấu.
Trong khi đó, đối tượng là cán bộ viên chức, lực lượng vũ trang, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm về kê khai của người có nhu cầu mua nhà. Hay chứng minh thu nhập theo mức lương để được vay cũng còn bất ổn. Theo đó ở nước ta nếu chỉ căn cứ vào mức lương sẽ rất khó, vì ngoài khoản lương người ta có thu nhập khác như làm thêm nhưng khó chứng minh được.
Về lãi suất cho vay gói 30.000 tỷ đồng, trong năm 2015 này có thể giảm xuống thấp hơn 5%/năm như hiện nay, vì lạm phát trong năm 2014 chưa đến 2%, lạm phát của tháng 2-2015 cũng rất thấp dù rơi vào tháng Tết cổ truyền. Việc ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ hiệu quả tốt nên có cơ sở để giảm lãi suất cho người vay, bởi lãi suất huy động tiết kiệm hiện nay tối đa cũng chỉ 6%/năm.
Kỳ vọng gói 50.000 tỷ đồng
Tính đến giữa tháng 1-2015, các NHTM đã ký hợp đồng cam kết cho vay đối với 12.113 hộ gia đình, cá nhân và 33 dự án BĐS. Trên thực tế, đã có 12.091 hộ gia đình, cá nhân được tiếp cận nguồn vốn vay với tổng số tiền 3.725 tỷ đồng. Đối với các tổ chức và doanh nghiệp, đã có 28/33 dự án nhà ở được giải ngân với tổng số tiền hơn 1.590 tỷ đồng. Tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay 9.417 tỷ đồng, đạt 31,39%; hiện đã giải ngân được 4.882 tỷ đồng, đạt 16,27% sau gần 2 năm thực hiện.
Kết quả trên đã chỉ ra rằng về nguyên tắc, gói hỗ trợ chỉ có ý nghĩa khi nhằm vào mục tiêu cụ thể, đối tượng cụ thể. Trong bình diện chung chính sách tín dụng cũng có hỗ trợ một số đối tượng như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp…
Thí dụ năm 2008 Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, trong đó BĐS được coi là lĩnh vực phi sản xuất. Thời điểm này doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn khi trả lãi suất vay lên đến 25%/năm chưa kể phụ phí. Sau đó Chính phủ có lộ trình giảm lãi vay và đến năm 2009 công bố gói kích cầu đầu tư, giúp thị trường BĐS dần hồi phục vào năm 2010. Điều này cho thấy gói tín dụng ra đời là nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất.
Về việc các nhà đầu tư, tiêu dùng và các ngành nghề liên kết lại với nhau thông qua 1 NHTM, đó là điều tốt. Thí dụ, 1 dự án, có nhiều nhà thầu tham gia, nhiều nhà cung cấp vật liệu tham gia nếu tất cả thông qua 1 ngân hàng, dòng tiền dễ kiểm soát và thuận tiện trong việc thanh toán.
Còn về gói 50.000 tỷ đồng, theo thông tin chúng tôi nghe được, có những tiêu chí hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư BĐS với lãi suất ổn định 7%/năm và kéo dài 10 năm. Nếu quả thật có gói này, đây là tin mừng cho thị trường BĐS. Bởi thị trường BĐS đang thiếu nguồn vốn trung hạn, nay được vay lãi suất ổn định 10 năm thì quá tuyệt vời.
Thứ hai, tính chất của thị trường BĐS là trung và dài hạn nhưng nhà đầu tư không được vay trung, dài hạn là vô lý. Ngoài ra còn có điểm vô lý vay trung hạn lãi suất cao hơn vay ngắn hạn. Tuy nhiên, theo tôi được biết gói hỗ trợ 50.000 tỷ đồng thiếu một điều rất quan trọng, tức gói này chỉ kích cầu đầu tư là hỗ trợ cho nguồn cung BĐS, chưa hỗ trợ cho phía cầu. Cho nên một gói tín dụng không thể chỉ kích cung mà không kích cầu. Do đó tôi cho rằng nếu có gói 50.000 tỷ đồng cho kích cung, cũng cần có gói tín dụng tương ứng cho bên cầu, tức người mua nhà.
Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM