Nông dân trồng lúa phải lụy ‘cò’

Sau một tuần triển khai mua tạm trữ một triệu tấn lúa, gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng (từ 1/3 đến 15/4/2015), tình hình thu mua tại nhiều địa phương tăng lên, nhưng không quá sôi động. Giá lúa, gạo nguyên liệu dù tăng nhẹ, vẫn thấp hơn cùng thời điểm năm trước 300-500 đồng một kg, tùy loại.

Ông Phạm Minh So, Trưởng trạm thu mua Kho lương thực Cái Răng (Công ty Lương thực Sông Hậu) cho biết mỗi ngày thu mua khoảng 200 tấn gạo nguyên liệu, chủ yếu là loại IR50404 với giá 6.300-6.400 đồng một kg. Hiện tại, kho đang chứa  4.000 tấn gạo trên tổng sức chứa 7.000 tấn. Ngoài ra, trạm còn tổ chức 2 đội thu mua lúa trực tiếp trong dân mỗi ngày được 100 tấn, đưa về kho tại Trà Nóc (Cần Thơ) với giá 4.350 đồng một kg lúa tươi, 5.400 đồng một kg lúa khô.

thu-hoach-lua-o-An-Giang-JPG_1425874181.

Mỗi kg lúa, cò ăn của thương lái 20-30 đồng, trong khi đáng lẽ số tiền này phải thuộc về nông dân. Ảnh: PH

Trong khi đó, ông Trần Thanh Vân, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ) cho hay: “9 điểm thu mua của chúng tôi ở Cần Thơ và Hậu Giang mỗi ngày mua vào 1.000 tấn gạo và 700 tấn lúa nguyên liệu. Giá so với  trước Tết tăng bình quân 150-300 đồng một kg, nhưng vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước”.

Giá mua vào của Gentraco có nhỉnh hơn một số nơi khác từ 50 đến 100 đồng một kg lúa, gạo. Cụ thể, công ty đang mua tại ruộng lúa thơm Jasmine giá 4.900 đồng một kg; lúa dài (chất lượng cao) 4.600-4.650 đồng một kg; lúa IR50404 là 4.350 đồng. Gạo nguyên liệu dùng để chế biến loại 5% và 15% tấm có giá 6.420-6.440 đồng một kg.

Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp thu mua lúa, gạo trực tiếp từ nông dân không nhiều. Hiện nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới thu hoạch khoảng 50% diện tích, trong khi lượng lúa còn trong dân khá lớn, nhu cầu bán ra rất cao. Các doanh nghiệp đa phần thu mua gạo nguyên liệu từ thương lái, trong khi số thương lái đi thu mua lúa lại không đủ khả năng quán xuyến địa bàn, chưa đủ mạnh để trực tiếp giao dịch độc lập với nông dân, phần lớn phải thông qua đội ngũ cò lúa hùng hậu vốn nằm vùng và rất rành rẽ đường đi nước bước tại địa phương. Vì thế, cò lúa trở thành đầu mối trung gian cho thương lái và nông dân gặp nhau, với điều kiện sự chung chi khi giao dịch mua, bán lúa thành công.

lua-1a.jpg

Gần 90% lượng lúa thu mua được từ nông dân đều phải qua cò. Ảnh: CL

Tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, hàng nghìn hecta lúa đang thu hoạch rộ. Nông dân ở đây phản ánh việc mua bán lúa phần lớn đều qua tay cò. Ông Trần Văn Năm ở xã Tân Hòa cho biết: “Tôi vừa bán được 8 tấn lúa tươi với giá 4.200 đồng một kg. Trước khi thu hoạch mấy ngày, cò dắt thương lái đến nhà xem lúa trên đồng và chốt giá, thương lái đặt cọc 5 triệu đồng. Nông dân ở đây, 10 nhà thì có tới 8-9 nhà bán lúa qua cò. Khi lúa có giá thì cò chủ động tìm đến nhà dân đặt cọc, còn khi lúa ể ẩm hoặc muốn bán nhanh để có tiền xoay sở thì phải lụy cò”.

Cò lúa phát triển rộng rãi tại Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành một lực lượng quan trọng trong chuỗi giá trị lúa gạo. Lão nông Lê Văn Lam ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận: “Nông dân ở đây, hầu như nhà nào cũng bán lúa qua cò. Tôi vừa bán 100 tấn lúa thơm đặc sản Nàng Hoa với giá 5.000 đồng một kg. Tính ra, mỗi ký lúa, cò ăn của thương lái 20-30 đồng. Đúng ra số tiền này nông dân phải hưởng khi bán lúa trực tiếp cho thương lái. Nhưng bây giờ, thương lái không chịu đi nữa mà ngồi một chỗ để việc chạy tìm nguồn lúa, thời điểm thu hoạch… cho cò làm. Khi tìm được nguồn hàng thì lái lúa đưa tiền cho cò đặt cọc với nông dân”.

Ông Lam cho biết thêm, trong máy điện thoại của ông luôn có khoảng 10 số cò lúa và thương lái. Tuy nhiên, sau khi bán lúa, ông xin số điện thoại của lái lúa, để khi đến vụ tiếp theo gọi điện bán trực tiếp, nhưng họ lại nói giao cho cò làm… trung gian.     

Giải thích về câu chuyện này, nhiều thương lái thu mua lúa cũng thừa nhận gần 90% lượng lúa thu mua được từ nông dân đều phải qua cò. Anh Nguyễn Văn Thành, thương lái ở huyện Châu Thành A cho biết: “Làm nghề này không nhờ cò thì khó lắm, vì họ có lợi thế thổ địa. Hiện giá cả giao ước giữa lái và cò như sau, nếu cò chỉ gọi điện liên lạc bắt mối cho thương lái đến thỏa thuận giá cả và đặt cọc với nông dân thì phí cho cò là 10.000 đồng một tấn. Còn nếu cò trực tiếp dắt lái đến ruộng xem lúa, gặp nông dân thỏa thuận và làm chứng việc đặc cọc thì phí là 20-30 đồng một kg, tùy số lượng, loại lúa hay đoạn đường xa, gần”.

Một cò lúa nổi tiếng ở Hậu Giang, được nhiều thương lái tín nhiệm cho hay ông đảm nhiệm làm cò trọn gói từ khâu làm đất, gieo sạ, thu hoạch và bán lúa, kể cả việc làm cò mua lại ruộng cho vịt ăn sau khi nông dân thu hoạch lúa.

“Đang vào vụ thu hoạch rộ, mỗi ngày tôi đảm nhiệm việc cung ứng cho thương lái 100-200 tấn lúa, tiền công cò mỗi tấn 20.000 đồng”, ông nói  và cho biết thêm, riêng phần cò cắt lúa thì hiện mỗi ngày ông chạy mối cho 10 máy gặt đập liên hợp thu hoạch từ 200 đến 450 công lúa (20-45 hecta). Mỗi công, ông ăn tiền cò 10.000 đồng. Nhiều lúc thương lái coi lúa thấy được nhưng chưa có tiền thì ông cho mượn tiền đặt cọc với nông dân luôn. Chuyện các cò chơi xấu, giành mối làm ăn với nhau dẫn đến chuyện này chuyện kia cũng không hiếm.

– Nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Cần Thơ cho thấy, có 4% lượng lúa mà nông dân sản xuất ra được các nhà máy xay xát thu mua, chủ yếu là các nhà máy nằm trong vùng sản xuất. Chỉ 3% sản lượng lúa được bán trực tiếp từ nông dân đến các nhà máy lau bóng để xuất khẩu. Đặc biệt, thương lái là tác nhân trung tâm trong chuỗi giá trị khi có tới 93% lượng lúa sản xuất ra được bán cho tác nhân này. Tuy nhiên, quan hệ của các thương lái với nông dân lỏng lẻo, nhất là việc mua bán thông qua “cò lúa” tại địa phương chiếm 55%. Vào thời điểm chính vụ, 75% nông dân bán lúa tươi chưa qua phơi, sấy và 25% bán lúa khô. Mặc dù hiện nay, Nhà nước đang có chính sách khuyến khích nông dân bán lúa khô nhằm tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, chi phí đầu tư vào phơi sấy, tạm trữ rất lớn nên người dân trồng lúa phải chấp nhận bán lúa tươi mặc dù lợi nhuận sẽ giảm.

– GS-TS Nguyễn Văn Luật (nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long): Giá trị thuần nông dân thu được trên mỗi kg lúa là 540 đồng (tương đương 27,8%). Trong khi đó, thương nhân mua lúa thu được 39 đồng (2%), nhà máy xay xát (123 đồng, 6,3%), nhà máy lau bóng (50 đồng, 2,6%). Riêng doanh nghiệp xuất khẩu gạo thu được đến 556 đồng (tương đương 28,7%) trên mỗi kg gạo xuất khẩu. Trong chuỗi giá trị lúa gạo hàng hóa gia tăng, cái gốc đương nhiên là nông dân, hiện đang bị thiệt đơn thiệt kép. Do đó, tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó có nền sản xuất lúa bền vững cần lấy điểm xuất phát, lấy thước đo là mức độ cải thiện đời sống kinh tế – xã hội của người nông dân. Trong chuỗi giá trị, cần bao gồm không chỉ đầu ra xuất khẩu gạo mà còn cả đầu vào của sản xuất, như giá phân bón, thuốc sâu, giống… Làm sao để nông dân mua với giá gần với giá xuất xưởng, hỗ trợ của nhà nước cho nông dân qua doanh nghiệp không bị cắt xén…

Cửu Long

Để lại một bình luận

0913.756.339