Hệ thống thoát nước thải của Khu đô thị Mỹ Đình- Mễ Trì. Ảnh: Như Ý.
Vẫn chờ khu xử lý nước thải
Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội) do Cty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư và hoạt động chính thức từ 2005. Theo thiết kế được Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội phê duyệt, trạm xử lý nước thải khu đô thị được xây dựng tại khu kỹ thuật bao gồm: trạm biến áp 110/220Kv, trạm xử lý nước thải và trạm bơm nước mưa.
Toàn bộ khu kỹ thuật nằm ở phía bắc dự án, trên diện tích 12.670 m2. Trạm xử lý nước thải được thiết kế công suất 18.124m3/ngày đêm. Trong đó, giai đoạn 1: 9.000m3/ngày đêm; giai đoạn 2: 9.124m3/ngày đêm. Nước thải sau khi xử lý có thông số đáp ứng theo Quy chuẩn QGVN trước khi xả thẳng ra môi trường.
“Thực tế, chủ đầu tư ăn bớt cả phần diện tích cây xanh, mặt nước, trường học trong khu đô thị để làm nhà ở thì việc cắt bỏ mảnh đất làm khu xử lý nước thải là chuyện dễ hiểu và khó phát hiện. Diện tích và kinh phí làm nhà máy nước thải, chủ đầu tư có thể xây 3 tòa chung cư cao cấp”.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết
Báo cáo của Cty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long gửi Sở Xây dựng Hà Nội ngày 19/8/2014 cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng khu đất xây dựng trạm xử lý nước thải Khu đô thị Nam Thăng Long về cơ bản đã xong. Tuy nhiên trong khu vực vẫn còn một số ngôi mộ tổ vẫn chưa di chuyển. Dự kiến thi công giai đoạn 1 vào quý 3/2015, kết thúc vào quý 1/2017. Còn dự kiến thi công giai đoạn 2: Phụ thuộc vào nhu cầu về số lượng nước thải khi toàn bộ dự án xây dựng hoàn chỉnh.
Còn trạm xử lý nước thải Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) do Cty CP Đầu tư Văn Phú – Invest làm chủ đầu tư, được bố trí tại lô đất có ký hiệu HT 01, diện tích 4.241m2 ở phía nam khu đô thị. Trạm xử lý nước thải có công suất 6.850m3/ngày đêm. Sau nhiều năm, đến nay, chủ đầu tư vẫn đang triển khai bước chuẩn bị đầu tư. Dự kiến, trạm xử lý nước thải sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng trong quý 4/2015.
Trạm xử lý nước thải Khu đô thị mới Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) được bố trí tại lô đất có diện tích 4.977m2 với công suất 2.500m3/ngày đêm. Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý, hồ sơ kỹ thuật để đảm bảo cho công trình đủ điều kiện tổ chức thi công xây dựng vào năm 2015.
Ông Hoàng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở Xây dựng đã làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư khu đô thị: Ciputra, Yên Hòa, Văn Phú, Việt Hưng, Khu đoàn Ngoại giao Hà Nội và yêu cầu chủ đầu tư phải làm văn bản gửi lên Sở về tiến độ khởi công, hoàn thành nhà máy xử lý nước thải. Nếu chủ đầu tư chậm tiến độ sẽ có chế tài xử phạt theo quy định.
Chưa xong trách nhiệm, lại muốn xây thêm khu đô thị
Ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, theo quy hoạch, nhiều khu đô thị buộc phải xây khu xử lý nước thải. Lý giải về việc chủ đầu tư bất chấp quy định bỏ qua hạng mục quan trọng này, ông Chiến nói: “Nhiều chủ đầu tư không có vốn, “ăn xổi”, cái gì bán được thì làm trước. Với hành vi xả thải ra môi trường chưa qua xử lý, cơ quan chức năng như: Cảnh sát môi trường; Thanh tra Sở Xây dựng, chính quyền sở tại có quyền xử phạt hoặc đình chỉ thi công nếu dự án đang xây dựng gây ô nhiễm môi trường”.
Theo ông Chiến, nhằm hạn chế việc chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc kinh doanh xây nhà kiếm tiền, trong Nghị định 11 (2013) quy định rõ, chủ đầu tư phải làm hạ tầng trước, hạ tầng khung, công trình khung, cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học)…mới được phép kinh doanh nhà ở. Như vậy, nếu chủ đầu tư không xây nhà máy xử lý nước thải trước sẽ không được phép xây nhà ở trong khu đô thị.
Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) đưa vào khai thác gần 10 năm nay nhưng nay mới triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Trong bản cam kết với Sở Xây dựng Hà Nội, Tổng Cty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) đã khởi công xây nhà máy xử lý nước thải khu đô thị Việt Hưng vào tháng 9/2014 và “hứa” hoàn thành vào tháng 7/2016. Trạm xử lý nước thải có diện tích 11.521 m2, công suất 7.660m3/ngày đêm. Trong khi cái cũ chưa hoàn thành, HUD lại tiếp tục xin được đầu tư hàng loạt các khu đô thị mới như: Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), Thanh Lâm – Đại Thịnh (Mê Linh, Hà Nội)…