Năm 2014, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) đã phá nhiều vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, góp phần làm lành mạnh cho nền kinh tế phát triển. Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế vừa có cuộc trao đổi về tính chất phức tạp và rủi ro của sở hữu chéo.
– Nhiều vụ án trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thời gian qua có liên quan đến sở hữu chéo. Ông có thể giải thích rõ hơn về tình trạng này?
Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh. |
– Thường có 6 loại sở hữu chéo khác nhau, trong đó 3 loại được cho là có tác dụng tích cực, cần khuyến khích là sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng nước ngoài tại các ngân hàng liên doanh; cổ đông chiến lược nước ngoài của các ngân hàng; các công ty quản lý quỹ là cổ đông tại các ngân hàng. Ba hình thức còn lại đang bị một số ông chủ ngân hàng lợi dụng tạo ra vốn ảo, rút tiền thật để thâu tóm chiếm đoạt nhà băng khác phục vụ lợi ích nhóm.
Thứ nhất là sở hữu của các ngân hàng thương mại Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Những năm 2006-2007, Chính phủ cho phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần hoặc chuyển đổi ngân hàng cổ phần nông thôn sang ngân hàng cổ phần đô thị. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng quốc doanh đầu tư góp vốn vào các nhà băng này để giúp đỡ về mặt quản trị và thúc đẩy cạnh tranh, tăng trưởng… Khi hoạt động của các ngân hàng này gặp khó khăn, lợi dụng vào sở hữu chéo, một số ngân hàng giúp đỡ lẫn nhau bằng cách cho nhau gửi tiền thông qua thị trường liên ngân hàng không đúng quy định để đảo nợ, che giấu nợ xấu nhằm tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Thứ hai là sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại cổ phần. Thực ra, từ lâu đã diễn ra hiện tượng dùng cổ phần ngân hàng này thế chấp vay vốn ngân hàng khác, dùng khoản vốn vay này để mua cổ phiếu ngân hàng khác, doanh nghiệp khác… Cứ như vậy làm cho tổng vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cộng lại là rất lớn (trong đó có phần là vốn ảo). Sự sở hữu chéo càng nhiều thì số vốn ảo càng lớn. Một số ông chủ ngân hàng chủ động tạo ra vốn ảo rút vốn thật làm công cụ để thâu tóm ngân hàng khác. Khi kinh tế suy thoái thì để lại dư nợ xấu rất lớn.
Thứ ba là góp vốn sở hữu ngân hàng thương mại cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và tư nhân. Theo thống kê, khoảng 44% doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân sở hữu tại các ngân hàng thương mại cổ phần, hầu hết các tập đoàn Nhà nước đều có các công ty tài chính, quan hệ ngày càng phức tạp. Nhiều ngân hàng được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình tạo thành mối quan hệ sở hữu chằng chịt. Chính lợi dụng nhóm sở hữu chéo này, một số ông chủ tăng vốn ảo cho ngân hàng, cho doanh nghiệp sân sau dùng mỡ nó rán nó, rút vốn thật để thâu tóm, chiếm đoạt ngân hàng khác hoặc thâu tóm bất động sản, những ô đất vàng, đắc địa, chứng khoán, vàng… để thu lợi cho mình.
– Thiếu tướng vừa nói đến vấn đề sân sau của các ông chủ ngân hàng. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này qua các vụ án cụ thể?
– Ví dụ như vụ liên qua đến Nguyễn Đức Kiên. Từ năm 2008, ông này đã thành lập 6 công ty do chính mình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị; vợ, con, anh, chị em làm Giám đốc, đại diện pháp luật với số vốn điều lệ ban đầu rất ít. Ông ta lần lượt chỉ đạo 6 công ty phát hành trái phiếu tổng cộng 4.200 tỷ đồng, sau đó dùng ảnh hưởng của mình ép các ngân hàng ACB, VietBank, Đại Á, Kiên Long, Phương Nam, Nhà Đồng bằng sông Cửu Long mua trái phiếu.
Tiền thu được do bán trái phiếu của các công ty, cộng với vốn điều lệ ban đầu, người này chỉ đạo các công ty lập chứng từ mua cổ phần lẫn nhau, mua cổ phiếu của nhiều ngân hàng, chủ yếu là 6 ngân hàng trên. Sau đó, dùng chính cổ phần mua của ngân hàng này làm tài sản đảm bảo cho công ty phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng kia.
Tóm lại, dùng tiền ảo đưa vào ngân hàng để rút tiền thật, rồi dùng tiền thật rút được lại mua cổ phần, tiếp tục đem thế chấp tại ngân hàng khác, tạo thành dòng vốn ảo… Cứ như vậy, vốn về danh nghĩa của Kiên ngày càng nhiều lên, đồng nghĩa với việc Nguyễn Đức Kiên càng sở hữu được nhiều cổ phần tại nhiều ngân hàng, doanh nghiệp.
– Hậu quả của sở hữu chéo, vốn ảo gây ra đối với thị trường tài chính, tiền tệ và nền kinh tế như thế nào, thưa Thiếu tướng?
– Các đối tượng dùng sở hữu chéo tạo ra vốn ảo để thâu tóm ngân hàng khác trái pháp luật, phá hoại chính sách tài chính tiền tệ. Bởi nếu cộng lại thì hệ thống ngân hàng có số vốn rất lớn nhưng trong đó có cả vốn ảo, vốn điều lệ ảo, kéo theo các chỉ số tài chính khác cũng không trung thực, làm cho đánh giá của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về nguồn lực không chính xác, ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định chính sách quản lý kinh tế, chính sách tài chính – tiền tệ để phát triển kinh tế – xã hội.
Mặt khác, với mánh khóe rút tiền nêu trên, nhóm cổ đông lớn có ảnh hưởng chi phối tại ngân hàng thương mại cổ phần hoàn toàn có thể dần chiếm đoạt ngân hàng khác, doanh nghiệp khác cho mình và lợi ích của một nhóm người, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Sở hữu chéo tạo ra vốn ảo là thủ phạm chính gây ra cuộc chạy đua lãi suất vô cùng lộn xộn. Tiền không vào sản xuất, kinh doanh mà chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Các ông chủ ngân hàng và nhóm thân hữu đầu tư bất động sản càng có lãi. Còn hàng trăm, hàng chục ngàn doanh nghiệp khác thì điêu đứng, vì không thể vay vốn ngân hàng và bởi không doanh nghiệp nào sản xuất kinh doanh gì có lãi 24-25%.
Sở hữu chéo, vốn ảo còn gây ra nợ xấu trong bất động sản, chứng khoán, làm tắc nghẽn mạch máu tiền tệ của nền kinh tế.
– Để hạn chế tình trạng này, cần phải có những biện pháp gì để chấn chỉnh, thưa ông?
– Có thể thấy, việc thành lập doanh nghiệp hiện nay theo Luật Doanh nghiệp rất thuận lợi; điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng không khó. Từ đó cũng bộc lộ những kẽ hở dễ lợi dụng. Trong lĩnh vực ngân hàng thì Chủ tịch, Tổng giám đốc, ủy viên Hội đồng quản trị đều có thể thành lập doanh nghiệp sân sau, công ty gia đình. Do đó, đề nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu vấn đề này để kiến nghị bổ sung sửa đổi, đã là lãnh đạo ngân hàng thì không có doanh nghiệp sân sau hoặc không thể đầu tư chéo cho doanh nghiệp sân sau, công ty gia đình.
Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 52 và 90 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là điều kiện phát hành trái phiếu, doanh nghiệp nào được mua trái phiếu, việc sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu và phải có chế tài để kiểm tra, giám sát bảo đảm cho Nghị định được thực hiện nghiêm.
Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp để đảm bảo thực hiện nghiêm Luật các tổ chức tín dụng quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, ngân hàng đầu tư vào một tổ chức kinh tế khác; Quyết định số 1310/NHNN quy định về vay vốn giữa các tổ chức tín dụng. Chính phủ cần giao trách nhiệm cho cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra, phát hiện cho được và phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ, xử lý các sai phạm nêu trên ở các ngân hàng cổ phần.
Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan tư pháp cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, phân tích, đánh giá hành vi sở hữu chéo nhằm tạo vốn ảo, thâu tóm ngân hàng, doanh nghiệp phục vụ cho lợi ích nhóm, để đưa chế tài xử lý các hành vi này thật nghiêm, nhằm răn đe, ngăn ngừa vi phạm và tội phạm.
Theo Công an nhân dân