Người già Hong Kong chật vật tìm việc làm

“Chừng này tiền vẫn là chưa đủ. Quan trọng nhất là phải có việc làm”, Wong cho biết về khoản trợ cấp gần 2.200 HKD (284 USD) mỗi tháng. Đây là khoản phụ thêm của chính quyền với người già, trên cơ sở họ đã được người nhà đã chu cấp đầy đủ. Gần đây bà phải ngừng phát tờ rơi trên một cây cầu ở Hong Kong vì đau chân. 

Trong thành phố có mật độ Roll Royce trên đầu người nhiều nhất thế giới này, Wong và rất nhiều người già khác đang bị đẩy vào cảnh phải quét đường, nhặt hộp các tông hay phát tờ rơi để kiếm sống. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán Hong Kong (Trung Quốc) sẽ có tỷ lệ người trên 65 tuổi cao nhất châu Á năm 2050.

Dù vậy, ngân sách Hong Kong đang dư thừa sẽ là một lợi thế. Marcella Chow – nhà kinh tế học tại Bank of America Merrill Lynch Hong Kong ước tính ngân sách thành phố này đang dư 62 tỷ HKD, nhờ doanh thu thuế từ bất động sản, giao dịch chứng khoán, bán đất, lương và doanh nghiệp.

hong-kong-9655-1424770477.jpg

Một cụ bà đang nhặt bìa các tông để có thêm thu nhập. Ảnh: Bloomberg

“Việc cần thiết bây giờ là điều chỉnh chính sách tài khóa cho phù hợp, để giải quyết sức ép có thể nảy sinh từ dân số già và lực lượng lao động giảm sút. Tuy nhiên, với quan điểm chính sách thắt chặt và thận trọng hiện tại, chúng tôi có rất ít kỳ vọng họ sẽ có đề xuất mang tính đột phá”, Chow cho biết.

Fok Mei-song năm nay đã 65 tuổi. Bà đang nghỉ giải lao khi quét dọn tại khu phố đông đúc Sham Shui Po, vì ông chủ không cho nghỉ phép đủ để hồi phục sau cơn đau đầu gối. “Các con tôi còn nhiều áp lực lắm”, bà cho biết. 3 người con trai hiện tại đều không thể đưa đủ cho bà chi phí hàng tháng.

Tháng trước, ông Leung đã đề nghị người phụ trách tài chính dự phòng 50 tỷ HKD cho nhu cầu hỗ trợ người về hưu sau này. Nhưng kể cả khi có hiệu lực, khoản tiền này cũng sẽ mất thời gian dài mới tiếp cận được hết người dân.

Hơn một phần ba người già Hong Kong đang phải sống trong nghèo khổ, theo một báo cáo của chính quyền năm 2012. Tỷ lệ này cao hơn nhiều trung bình 12,8% tại các nước trong OECD năm 2013.

Một nguyên nhân khác là giới trẻ Hong Kong cũng đang không lên kế hoạch đầy đủ cho tương lai. Trong nhóm người tuổi 30 và 40 tại đây, khoảng 20% không có kế hoạch khi về hưu, theo một khảo sát năm 2013 của Fidelity Worldwide Investment.

Việc này sẽ khiến họ có thể rơi vào tình cảnh như Lee Yuet-yan. Năm nay đã 79 tuổi, cựu đầu bếp này vẫn phải làm bảo vệ 6 ngày một tuần để đủ tiền thuốc thang cho vợ. “Tôi thích công việc của mình và tôi có thể đóng góp cho xã hội. Tôi không nhận bất kỳ hỗ trợ nào từ chính quyền và vẫn có thể hỏi con cái khi cần thiết. Nhưng tôi vẫn sẽ làm việc đến khi nào có thể”, ông nói.

Hà Thu (Theo Bloomberg)

Để lại một bình luận

0913.756.339