Chiến dịch bảo vệ đồng rouble đã tiêu tốn của Nga 80 tỷ USD năm nay. Theo số liệu chính thức hôm qua, dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga hiện là 414,6 tỷ USD. Giảm so với 509,6 tỷ USD năm ngoái, số liệu hiện tại đủ cho Nga nhập khẩu hơn một năm nữa và cao hơn nhiều mức an toàn tối thiểu.
Tuy nhiên, từ khi đồng rouble lao dốc tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga chỉ can thiệp vào thị trường với quy mô rất nhỏ. Thay vào đó, họ nâng lãi suất cơ bản thêm 7,5% trong 2 lần gần nhất, bất chấp nền kinh tế đang bị ảnh hưởng từ giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt.
Rouble Nga hôm lại lại tiếp tục mất giá so với euro và USD. Ảnh: Reuters |
Nhiều người cho rằng động thái này của Nga có thể là để bảo vệ lượng dự trữ khá ít hiện tại. Anders Aslund – nhà phân tích tại Viện Peterson là một trong những người khẳng định số liệu dự trữ quốc tế của Nga là không đúng.
Trên Financial Times, ông cho biết Nga đã tính cả giá trị hai quỹ dự phòng quốc gia, mà nói đúng ra là không được cộng vào dự trữ. Nếu trừ đi số này (khoảng 172 tỷ USD), cộng với 45 tỷ USD vàng và 12 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt tại IMF, dự trữ có thể sử dụng của Nga chỉ còn khoảng 200 tỷ USD.
Kể cả có thặng dư tài khoản vãng lai, nước này sẽ vẫn phải rút tiền từ dự trữ để trả nợ nước ngoài. “Trong mỗi năm 2015 và 2016, nợ nước ngoài ròng của Nga sẽ vào khoảng 100 tỷ USD. Nói cách khác, dự trữ của Nga sẽ hết sạch trong 2 năm tới. Và ngân hàng trung ương có vẻ đang rất vô vọng với việc này”, Aslund cho biết.
Chiều qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong buổi họp báo rằng 415 tỷ USD dự trữ là đủ để đối mặt với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Nhưng ông cũng cho biết con số này sẽ không bị tiêu “vô tội vạ”. Giới chức Nga đang lo lắng việc chi dự trữ quá nhanh khi nước này được dự đoán sẽ rơi vào suy thoái năm tới.
Rõ ràng, tình huống hiện tại nghiêm trọng hơn nhiều năm 2008-2009, khi dự trữ của Nga là 600 tỷ USD. Kể từ đó, nợ của các công ty nước này đã tăng mạnh. Còn các nhà băng, vốn đang phải đối mặt với lợi nhuận thấp, tiền gửi co lại và nợ nước ngoài lớn, cũng sẽ cần hỗ trợ của ngân hàng trung ương, BNP Paribas cho biết.
Tuy vậy, nhiều người cho rằng con số dự trữ của Nga không hề sai. Do bản chất của các quỹ dự phòng này là dành cho trường hợp khẩn cấp như hiện tại, khi giá dầu thấp và các công ty không thể vay vốn nước ngoài. Quan trọng hơn là, giải ngân cho lĩnh vực tư nhân từ một trong 2 quỹ này sẽ không khiến dự trữ bị suy giảm, Ivan Tchakarov – chiến lược gia tại Citi cho biết.
Ngân hàng Trung ương Nga thường giữ USD trong các quỹ này thay Chính phủ. Nếu Bộ Tài chính muốn dùng chúng để hỗ trợ một ngân hàng, quỹ này có thể bán USD cho Ngân hàng trung ương để đổi lấy rouble.
“Dự trữ tổng sẽ không thay đổi do lượng tiền tại các quỹ này chỉ chuyển sang ngân hàng trung ương mà thôi. Số rouble mà ngân hàng trung ương in ra để mua USD sau đó sẽ được sử dụng bởi Bộ Tài chính để cho các nhà băng vay”, Tchakarov giải thích.
Câu hỏi hiện tại chỉ là số dự trữ này có thể duy trì được trong bao lâu, khi giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây đang gây áp lực lên Nga. Năng lượng đóng góp 70% lợi nhuận xuất khẩu và nửa ngân sách của Nga. Vì vậy, với giá hiện tại, dự trữ của ngân hàng trung ương gần như không thể bổ sung.
Hà Thu