Gần 1.000 dự án bất động sản đang “bất động”

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.

Theo đó, hiện cả nước có 4.015 dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đã được quy hoạch và cấp phép đầu tư với tổng mức đầu tư ước tính 4.486.674 tỷ đồng và tổng diện tích đất theo quy hoạch là 102.228 ha.

Kết quả rà soát cho thấy có 81% (3.258 dự án) đang tiếp tục triển khai với tổng diện tích đất khoảng 81.565 ha và tổng diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 29.545 ha. Như vậy có tới 19%, tức khoảng gần 1.000 dự án đang “bất động”.

Chi tiết hơn, báo cáo cho biết, trong số 455 dự án cần phải điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp Hà Nội chiếm phần lớn với 285 dự án.

Báo cáo của 47/63 địa phương cũng cho thấy có 287 dự án tạm dừng triển khai với tổng diện tích đất khoảng 14.819 ha (14,5%) và tổng diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 4.395 ha (12,9%).

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 02 của Chính phủ đã phát huy hiệu quả tích cực.

Đặc biệt, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng nhằm vào đối tượng người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo có nhà ở đã được xã hội và đông đảo người dân, nhất là người dân nghèo ủng hộ và đánh giá cao. Nhờ đó, sau một thời gian “đóng băng”, thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc từ nửa cuối năm 2013 và trong 8 tháng đầu năm 2014 tiếp tục đà phục hồi tích cực, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đà phục hồi, theo Bộ trưởng thể hiện ở chỗ mặt bằng giá cả nhà ở tương đối ổn định, không tiếp tục giảm. Nhiều dự án giai đoạn 2011-2013 giá đã giảm sâu (trên 30%) thì trong 9 tháng qua giá đã ổn định và không giảm tiếp. Một số dự án có vị trí tốt, đã hoặc sắp hoàn thành đưa vào sử dụng giá có tăng nhẹ từ 1-2% so với năm 2013.

Báo cáo cho biết, 8 tháng đầu năm 2014, tại Hà Nội có khoảng 6.150 giao dịch thành công, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2013, còn tại Tp.HCM có khoảng 5.450 giao dịch thành công, tăng hơn 30%.

Dẫn số liệu đến ngày 20/8/2014, Bộ trưởng thông tin tồn kho bất động sản, tiếp tục giảm với tổng giá trị cả nước khoảng 82.295 tỷ đồng, giảm 12.163 tỷ đồng (12,88%) so với tháng 12/2013, giảm 46.569 tỷ đồng (36,22%) so với quý 1/2011.

Chỉ cập nhật đến 31/5/2014, Bộ trưởng nhận định dư nợ tín dụng bất động sản cao hơn mức dư nợ tín dụng chung, đạt 281.084 tỷ đồng, tăng 7,2% so với thời điểm 31/12/2013.

Riêng kết quả thực hiện gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đến 31/8/2014, tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết cho vay là 7.064 tỷ đồng (23,55%), đã thực hiện giải ngân là 3.074 tỷ đồng, bằng 10,25%.

Trong 7 tháng đầu năm 2014, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút đầu tư nước ngoài, với 20 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư 1,13 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn FDI, Bộ trưởng cho biết thêm.

Thị trường bất động sản đã hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường. Sau nhận định trên, Bộ trưởng Dũng cũng nói thêm là để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này cần sự quyết tâm và nỗ lực không chỉ của ngành xây dựng.

Mặt khác, các chính sách điều tiết thị trường cũng cần phải có thêm nhiều thời gian để đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Nguyên Hà (VnEconomy)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Trả lời

0913.756.339