Năng suất lao động ngành ngân hàng, bất động sản giảm mạnh

Theo Báo cáo về “Năng suất lao động Việt Nam 2014” vừa được CIEM công bố sáng 27/11, khai khoáng, sản xuất phân phối điện, hoạt động tài chính ngân hàng và kinh doanh bất động sản là những lĩnh vực thu hút nhiều lao động và có mức tăng năng suất cao so với ngành nghề khác từ năm 2005-2012.

Tuy nhiên, chia sẻ với VnExpress, bà Đặng Thị Thu Hoài, Phó trưởng ban Chính sách dịch vụ Công (CIEM) cho biết kể từ năm 2011 đến nay năng suất lao động của 4 lĩnh vực nói trên và cả nền kinh tế có dấu hiệu giảm đáng kể.

Nếu như những năm 2001-2010 vốn đầu tư trong nền kinh tế tăng trung bình từ 38-39% so với GDP thậm chí có năm tăng đến 40% nhưng hiện chỉ duy trì ở mức 30%. Cùng đó, tốc độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong phát triển kinh tế cũng giảm rõ rệt.

ngan-hang-copy-3534-1417063476.jpg

Vốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bất động sản giảm khiến năng suất lao động không cao thời gian qua.

“Suy giảm tốc độ tăng năng suất những năm gần đây là hệ quả tất yếu khi tốc độ vốn trên lao động và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ giảm mạnh”, bà Hoài cho biết.

Theo bà Hoài, việc hoạt động kinh doanh trong ngành ngân hàng hay bất động sản giảm cũng dễ hiểu vì năng suất lao động không thể hiện ở hiệu quả kỹ năng của nguồn nhân lực tham gia mà gần như phụ thuộc phần lớn vào mức độ đầu tư vốn.

“Có một thời gian ngân hàng, bất động sản là những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng rất nóng bởi dòng vốn đổ vào rất nhiều. Trong khi số lao động không giảm thậm chí càng nhiều tiền đầu tư thì càng tăng năng suất lao động. Nhưng hiện nay thì tình hình đang đi theo chiều ngược lại”, bà nói.

Báo cáo nghiên cứu cũng cho biết, tuy có sự chuyển dịch mãnh mẽ giữa ngành dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp nhưng năng suất lao động của Việt Nam chủ yếu nhờ giá nhân công rẻ. Tuy nhiên lợi thế này cũng đang mất dần.

“So sánh giữa khu vực công nghiệp chế biến và nông lâm nghiệp, thủy sản từ thì năng suất lao động đã giảm xuống 2 lần từ mức trên 2,7% xuống còn 1,26% chỉ trong vòng hơn 10 năm từ 2001-2012”, báo cáo nêu rõ.

Nhìn từ góc độ kỹ năng, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra thực tế tình trạng thiếu hụt đang tập trung nhiều nhất ở nhóm nghề yêu cầu trình độ sơ cấp. Việc sử dụng lao động không qua đào tạo vào những công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật là một trong những nguyên nhân chính làm năng năng suất lao động Việt Nam thấp so với một số quốc gia trong khu vực. Hiện số lượng sinh viên ra trường không thể tìm được công việc tương ứng buộc chấp nhận những công việc có trình độ thấp ngày càng tăng.

Do vậy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng cải thiện kỹ năng là nhân tố cơ bản để nâng cao năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian tới.

Thành Tâm

Để lại một bình luận

0913.756.339