Nam Định: Đô thị động lực Nam sông Hồng


Hồ Vỵ Xuyên.

Từ hào khí Đông A

Là quê hương, nơi phát tích của vương triều Trần, mảnh đất Thiên Trường – Nam Định với hào khí Đông A đã tạo nên văn minh Đại Việt rực rỡ đạt đến đỉnh cao về “võ công, văn trị” gắn liền với công lao của các vị vua Trần và tên tuổi các anh hùng dân tộc.

Dưới thời Trần, Thiên Trường trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, Phật giáo, văn hoá và giáo dục lớn thứ 2 sau kinh thành Thăng Long; là nơi họp chầu, quyết định những sự việc trọng yếu của vua tôi nhà Trần để điều hành mọi việc nội trị, ngoại giao của Đại Việt. Đồng thời, Thiên Trường còn là “phên dậu” vừa là phòng tuyến kiên cố vừa là hậu phương trọng yếu của Thăng Long trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông. Nhà Trần với chính sách “Ngụ binh ư nông” đã xây dựng 2 lực lượng quân đội chủ yếu: Quân đội chuyên nghiệp và quân đội ở các điền trang, thái ấp của giới quý tộc Trần. Những người lính về làm nông nghiệp để phát triển kinh tế, khi có chiến sự thì lại gươm giáo ra trận. Trong 3 lần đại thắng quân Nguyên – Mông, trước sức mạnh của đế quốc Mông Cổ, quân dân nhà Trần đều rút lui chiến lược về Thiên Trường, sau đó, bầy kế bài binh, phản công chiến lược đánh bại kẻ thù.

Thiên Trường xưa – Nam Định nay là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” nổi tiếng là quê hương có truyền thống hiếu học, khoa bảng. Nhiều bậc hiển nho tài đức là người con quê hương Nam Định đã nổi danh, đóng góp cho đất nước trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược, xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử mãi rạng danh cùng non sông nước Việt như: Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải (thời Lý); Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích (thời Trần); Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo (thời Lê); tiếp nối có Trần Bích San, Phạm Văn Nghị, Trần Tế Xương, Trần Huy Liệu, Văn Cao, Nguyễn Bính. Sang thế kỷ XX, nhiều người con ưu tú của Nam Định phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng đã trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất, giữ chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Trần Văn Lan, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Vũ Văn Hiếu, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Song Hào, Nguyễn Văn An…

Với sự phát triển của hạ tầng giao thông, Nam Định càng có nhiều thuận lợi trong việc giao lưu, phát triển kinh tế. Từ Nam Định đến các trung tâm kinh tế Hà Nội, Hải Phòng dưới 90km, rất gần các tỉnh lỵ Thái Bình (19km), Hà Nam (Phủ Lý 30km), Ninh Bình (28km) và tiện lợi khi ra cảng biển (Thịnh Long 60km). Nằm trên một đỉnh của tam giác Nam Định – Ninh Bình – Phủ Lý, Nam Định được hội tụ và kết nối qua các tuyến đường 10, 12, 21, 38, đường sắt Bắc – Nam…

Trải qua 753 năm phát triển (năm 1262), đô thị Nam Định đã nhiều lần thay đổi về quy mô, tính chất nhưng luôn giữ vị thế, vai trò quan trọng đối với vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Nam Định đang bảo tồn, lưu giữ gần 4.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử văn hoá và kiến trúc gắn với lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế: Quần thể di tích Văn hoá Trần; quần thể di tích Phủ Dầy; Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh; chùa Cổ Lễ; chùa Keo Hành Thiện… Bên cạnh các di tích lịch sử văn hoá vật thể, Nam Định còn có hệ thống di sản văn hoá phi vật thể với hơn 100 lễ hội diễn ra vào hai mùa chính là lễ hội xuân và lễ hội thu.

Nam Định được coi là “đất trăm nghề”, trong đó có hơn 50 làng nghề truyền thống lâu đời, nổi tiếng trong khu vực và cả nước. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mỗi làng nghề truyền thống ở Nam Định không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống dân sinh, mà còn là những sản phẩm mang bản sắc văn hoá bản địa độc đáo, đa dạng; là kết quả từ quá trình lao động, sáng tạo từ bàn tay, khối óc mang đậm dấu ấn tinh hoa và môi trường văn hoá của đất và người Nam Định từ bao đời nay.

Trở thành đô thị trung tâm vùng

Trong con mắt các nhà đầu tư Pháp, những tiện lợi về vị trí và sự quần cư đông đúc của Nam Định còn thích hợp để xây dựng nhà máy: Khởi đầu là Nhà máy sợi (năm 1889), rồi nhà máy Tơ, nhà máy Điện, nhà máy Nước, nhà máy Chai, nhà máy Rượu…

Kiến trúc nhà máy của TP Nam Định được đầu tư xây dựng khá sớm và đồng bộ ngay từ cuối thế kỷ XIX. Lĩnh vực chính thuộc về dệt và sản phẩm, đã nổi tiếng trên thế giới, đưa thành phố trở thành “thành phố Dệt”. Từ đó đến nay, các loại nhà máy vẫn tiếp tục được xây dựng phù hợp với năng lực sản xuất của địa phương. Đặc biệt, ngành may mặc đã xây dựng và mở rộng rất lớn như Cty CP May Nam Hà, Cty CP May Sông Hồng… đưa Nam Định lên tầm mới với đặc trưng “thành phố Dệt may”. Song song với ngành dệt, ngành may, ngành cơ khí, ngành thực phẩm đã ra đời với những nhà máy bia, nước giải khát là một loại nhu yếu phẩm phục vụ kịp thời yêu cầu của xã hội…

Ngày 22/11/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2084/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Nam Định đến năm 2025. Theo đó vào năm 2025, TP Nam Định sẽ được phát triển mở rộng về mặt quy mô, tính chất đô thị, có trình độ phát triển văn minh, hiện đại mang tầm vóc đô thị động lực tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Phạm vi của TP gồm toàn bộ ranh giới hành chính hiện hữu, huyện Mỹ Lộc, 3 xã của huyện Vụ Bản (Đại An, Thành Lợi, Tân Thành) và 5 xã của huyện Nam Trực (Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá, Nghĩa An) với tổng diện 18.445.000ha, dân số 57 vạn. Nhờ công tác quy hoạch đồng bộ, hạ tầng giao thông phát triển mà bức tranh kinh tế của Nam Định lại càng sinh động. Năm 2014, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án đầu tư mới, trong đó: 10 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 129 triệu USD, 9 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 569 tỷ đồng. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 1 tỷ USD. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 23.536 tỷ đồng.

Phát huy lợi thế sẵn có, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã chung tay viết lên một chương trình phát triển kinh tế xã hội nhằm đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ mới. Nam Định đã tập trung chỉ đạo công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ thi công những công trình trọng điểm. Năm 2014, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013. Nhiều tuyến đường bộ kết nối giao thông trong tỉnh với hệ thống của vùng, của quốc gia đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thế và lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Ngay từ những ngày đầu năm mới 2015, Nam Định đã tổ chức lễ thông xe Quốc lộ 38B giai đoạn I, đoạn từ thị trấn Lâm (huyện Ý Yên) đến TP Nam Định. QL38B đoạn qua tỉnh Nam Định và Ninh Bình từ QL10 đến QL1A được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp với tổng chiều dài là 24,3km, tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Tiếp đó, Dự án tỉnh lộ 490B từ Cao Bồ đến cầu Thịnh Long, quy mô đường cấp I đồng bằng, chiều dài 38 km, tổng mức đầu tư khoảng 6000 tỷ đồng. Hiện đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, đoạn cầu Thịnh Long – KCN Rạng Đông dài 9,6km, tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng, sẽ khởi công ngay sau Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Trong tương lai, TP Nam Định sẽ phát triển đô thị ở phía Bắc sông Đào tới sông Vĩnh Giang, có một số khu đô thị chức năng đô thị, đan xen trong không gian đô thị sinh thái nông nghiệp phía Nam sông Đào, 2 bến xe phía bắc và nam, các trung tâm văn hóa- thể thao – y tế;… TP sẽ có 4 khu chức năng: Khu trung tâm (khu phố cũ) là nơi đặt trung tâm chính trị, hành chính, văn hoá của tỉnh và TP. Khu mở rộng về phía bắc sẽ xây dựng một số công trình có quy mô, tính chất vùng như: Công viên, văn hoá, du lịch Tức Mạc, làng cổ Tức Mạc, khu di tích đền Trần, chùa Tháp, khu liên hợp thể dục – thể thao, khu các trường đại học-trung học chuyên nghiệp – nghiên cứu khoa học và các bệnh viện. Khu mở rộng về phía tây và tây nam được bố trí các khu công nghiệp tập trung, kho bãi, là đầu mối giao thông đường sắt, đường bộ. Khu phát triển mở rộng về phía nam sông Đào sẽ cải tạo xây dựng các khu dân cư, làng xóm cũ thành một quần thể làng sinh thái… Các công trình hạ tầng đô thị, kinh tế, xã hội đều được quy hoạch và xây dựng xứng đáng với tầm vóc tỉnh lỵ Nam Định và trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và xã hội vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Từ thế kỷ XIII, nhà Trần về đây xây dựng hành cung Thiên Trường, coi như kinh đô thứ hai, xác lập địa danh hành chính phủ Thiên Trường. Trải qua các triều đại Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn, các địa danh: Lộ Thiên Trường, Sơn Nam thừa tuyên, trấn Sơn Nam luôn là địa bàn kinh tế, quốc phòng quan trọng. Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã đặt tên Nam Định và cho xây dựng đô thị dân cư đồng bộ, kiến trúc hiện đại. Đây là nền tảng để ngày 17/10/1921, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập TP Nam Định, một trong 3 thành phố lớn ở miền Bắc, trong 8 đô thị loại III cả nước. Năm 1998, TP Nam Định được công nhận đô thị loại II; để rồi sau 12 năm, ngày 28/11/2011, Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Kiên Cường (Báo Xây dựng)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Trả lời

0913.756.339