Một km đường sắt đô thị có giá hơn 100 triệu USD

Trong 8 tuyến metro dự kiến xây dựng trên địa bàn TP HCM, chỉ riêng tuyến Bến Thành – Suối Tiên có thể tính toán chi tiết suất đầu tư, do đây là tuyến duy nhất đang được thi công và đã tiến hành điều chỉnh tổng mức đầu tư so với kế hoạch ban đầu.

metro-3-660x0-8927-1416820550.jpg

Một đoạn đi trên cao của tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên Ảnh: Hữu Công

Dự toán của Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM cho thấy chi phí đầu tư xây dựng mỗi km cho tuyến số I đạt gần 2.000 tỷ đồng, tương đương 94 triệu USD, bao gồm chi phí xây lắp và mua sắm thiết bị, tư vấn và quản lý dự án, thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng chưa tính tới nguồn tiền chi cho giải phóng mặt bằng.

Còn nếu tính toán dựa trên tổng mức đầu tư điều chỉnh là 54.000 tỷ cho chiều dài 19,7km toàn tuyến (trong đó có 2,6km đi ngầm), con số thực tế cho mỗi km đã vượt 2.700 tỷ đồng (khoảng 127 triệu USD).

Theo cơ quan này, cách tính toán đầu tiên (đang được áp dụng) được căn cứ theo quyết định của Bộ Xây dựng, hướng dẫn về công bố suất đầu tư công trình năm 2013, được ban hành tháng 6/2014. Với cách tính như vậy, đại diện chủ đầu tư cho biết suất đầu tư của tuyến Bến Thành – Suối Tiên “nằm trong vùng tương quan giá trị của các tuyến ở khu vực Châu Á và Đông Nam Á”.

Báo cáo của Ban Quản lý đường sắt TP HCM dẫn số liệu một số tuyến metro ở châu Á cho thấy tuyến metro Thượng Hải (100% đi ngầm) hoàn thành năm 1999 có suất đầu tư 91 triệu USD mỗi cây số. Cùng năm đó, chi phí cho tuyến Cao Hùng (Đài Loan – Trung Quốc, tỷ lệ đi ngầm 85%) là 140 triệu USD.

Suất đầu tư một số tuyến metro tiêu biểu trong khu vực

Tuyến đườngNăm hoàn thànhSuất đầu tưĐặc điểm
Thượng Hải 1999 91 Vận tải lớn, ngầm 100%
Cao Hùng 1999 140 Vận tải lớn, ngầm 85%
Đông – Bắc Singapore 1998 150 Vận tải lớn, ngầm 100%
Tây Hong Kong 1999 220 Vận tải lớn, ngầm 38%
Manila 3 1999 50 Vận tải nhẹ, đi trên cao
Bangkok 1999 73,6 Đi trên cao
Bangkok 1999 139 Đi ngầm toàn bộ

Đơn vị: Triệu USD/km. Nguồn: BQL Đường sắt đô thị TP HCM

“Nghiên cứu suất đầu tư các nước trong khu vực cho thấy giữa các tuyến và giữa các nước có sự khác biệt nhiều. Với tuyến đường sắt đơn, số lượng toa ít, hệ thống tín hiệu đơn giản, qua vùng dân cư thưa thớt thì chi phí thấp, khoảng 2 triệu USD mỗi km. Còn một tuyến tàu điện ngầm trong thành phố đông dân cư, đòi hỏi kỹ thuât cao, sức chứa lớn thì chi phí lên đến hơn 200 triệu USD”, báo cáo này nhận xét.

Theo số liệu cập nhật đến tháng 11 của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), tổng mức đầu tư điều chỉnh của tuyến Hà Đông – Cát Linh đạt hơn 18.000 tỷ đồng (tăng trên 9.230 tỷ) cho 13,5 km đi trên cao. Như vậy, suất đầu tư mỗi km tại đây khoảng 1.333 tỷ đồng.

Trong khi đó, tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội ngắn hơn 1km nhưng có 4km đi ngầm (chiếm 32%), suất đầu tư theo đó vượt 2.600 tỷ đồng mỗi km.

Do vậy, đưa ra con số chi tiết về suất đầu tư của nhiều tuyến đường ở các nước lân cận, song Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM cho rằng “so sánh chỉ mang tính tương đối vì suất đầu tư phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố”. Trong đó, các yếu tố được kể đến như mục đích an toàn mức độ cao nhất hay đường sắt đô thị giản đơn, tuổi thọ sử dụng, thời gian đầu tư xây dựng; đặc điểm địa hình, địa chất, đặc biệt là phụ thuộc vào kết cấu, tỷ lệ xây dựng ngầm…

Chí Hiếu

Để lại một bình luận

0913.756.339