Lối ra cho khủng hoảng kinh tế Nga

Ngày 16/7/2014 đối với kinh tế Nga được xem tương tự như ngày sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) trong khủng hoảng tài chính 2008. Vào ngày này, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên kinh tế Nga do xung đột quân sự tại miền đông Ukraine. Hai tuần sau đó, Liên minh châu Âu (EU) ra động thái tương tự. Tuy nhiên, chỉ tới tháng này, thị trường tài chính mới ngã ngửa về mức độ nghiêm trọng của chúng.

Kể từ tháng 7, Nga không nhận được bất kỳ nguồn vốn lớn nào từ quốc tế, thậm chí từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Vì nước nào cũng e ngại giới lãnh đạo tài chính Mỹ. Cũng như tình hình trên thế giới sau khi Lehman Brothers sụp đổ, Nga đang bị đóng băng thanh khoản. Và tình trạng này chỉ chấm dứt khi các lệnh cấm vận tài chính của Mỹ được dỡ bỏ.

russia-2-8252-1419322593.jpg

Các vấn đề hiện giờ của Nga chỉ có thể giải quyết khi không còn lệnh trừng phạt. Ảnh: Korea Herald

Nếu không có nguồn vốn quốc tế, các công ty của Nga – bao gồm cả tư nhân và quốc doanh – không thể huy động vốn mới và phải trả tất cả các khoản vay nợ nước ngoài đáo hạn. Tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP khá nhỏ của Nga không phải là vấn đề. Mà là tỷ lệ nợ nước ngoài trên dự trữ quốc tế và cán cân vãng lai của Nga.

Tính tới cuối năm nay, dự trữ thanh khoản quốc tế của Nga là 202 tỷ USD, còn tổng nợ nước ngoài lên tới 600 tỷ USD. Lượng vốn ròng chảy ra khỏi nền kinh tế trong năm nay là 125 tỷ USD. Trong mỗi năm 2015 và 2016, tổng thanh toán ròng nợ nước ngoài của Nga là 100 tỷ USD. Nói cách khác, dự trữ của Nga sẽ cạn kiệt sau 2 năm.

Theo số liệu được công bố chính thức, dự trữ quốc tế của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) là 416 tỷ USD. Nhưng không phải tất cả đều là tài sản thanh khoản cao. Dự trữ vàng chiếm 45 tỷ USD còn hai quỹ – Quỹ Đầu tư Quốc gia (82 tỷ USD) và Quỹ Dự trữ (89 tỷ USD) đều do Bộ Tài chính quản lý.

Tính tới ngày 10/12, giá dầu và đồng rouble đều đi xuống. Từ giữa tháng 6, giá dầu đã giảm 45%, còn rouble mất giá 39% so với USD. Chỉ rrong 4 ngày 14-17/12, đồng rouble lao dốc nhanh hơn giá dầu. Nguyên nhân là thanh khoản đóng băng gây tác động tiêu cực lên tỷ giá đồng rouble.

Trước tình hình này, CBR dường như đang bất lực. Bất kể cơ quan này làm gì, kinh tế Nga vẫn trong tình trạng bất ổn. Ngày 12/12, CBR tăng lãi suất cơ bản thêm 1%, lên 10,5%, nhưng đồng rouble vẫn tiếp tục lao dốc. Đêm 15/12, ngân hàng này tiếp tục nâng lãi suất lên 17% và vẫn không cứu được nội tệ.

Theo truyền thông Nga, Sergey Aleksashenko – cựu phó chủ tịch CBR còn lên tiếng kêu gọi tăng lãi suất lên 100%. Nếu CBR can thiệp, dự trữ của ngân hàng này sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Việc kiểm soát tiền tệ dường như chưa bao giờ có hiệu quả tại Nga. Hiện tại, không một biện pháp tiền tệ nào có thể cứu được kinh tế Nga, khi vấn đề nằm ở thanh khoản đóng băng.

Theo Financial Times, thanh khoản đóng băng, giá dầu giảm và khủng hoảng tài chính chắc chắn sẽ đè bẹp kinh tế Nga. Tổng thống Vladimir Putin từng nhấn mạnh nếu nội tệ giảm theo giá dầu, doanh thu đồng rouble của ngân sách chính phủ vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, ông Aleksashenko chỉ ra rằng, vấn đề nằm ở chi tiêu ngân sách. Chi phí nhập khẩu tăng mạnh do rouble mất giá đã giáng mạnh lên ngân sách Chính phủ và tất cả thành phần trong GDP. Vào 15/12, CBR dự báo GDP nước này sẽ co lại 4,5-4,7% năm 2015 nếu giá dầu duy trì ở mức 60 USD một thùng.

Vì nguyên nhân gốc rễ những khó khăn Nga đang gặp phải là lệnh cấm vận tài chính của phương Tây, liều thuốc duy nhất cho nước này là gỡ bỏ chúng. Điện Kremlin có thể làm được điều này bằng cách rút quân toàn diện khỏi miền đông Ukraine. Những biện pháp khác có khả năng sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Trường hợp của Nga hiện nay cũng là minh chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt tài chính trong thời buổi toàn cầu hóa có hiệu quả lớn hơn nhiều người tưởng.

Thanh Tuyền

Trả lời

0913.756.339