Sáng 3/2, nhiều người dân ấn tượng trước gian hàng mang tên “Vua tỏi Lý Sơn” với nhiều sản phẩm đặc trưng vùng biển đảo khai trương phục vụ thị trường Tết giữa trung tâm TP Quảng Ngãi. Cửa hàng chủ yếu bày bán sản phẩm tỏi, hành và thủy sản do Nguyễn Văn Định (quê xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) làm chủ. Đây là cửa hàng thứ ba do thanh niên này mở ở miền Trung.
Tròn 5 năm ngược xuôi khắp nơi tìm cách quảng bá sản phẩm, đến nay ông chủ trẻ đã trở thành đối tác cung ứng tỏi Lý Sơn cho hệ thống Siêu thị Big C ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu gần 80 tấn sang Thái Lan, Singapore và Dubai.
Chàng kỹ sư Nguyễn Văn Định (trái) giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: Trí Tín. |
Năm 2008, tốt nghiệp ngành cơ khí điện cơ, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Định vào làm cho Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC (Quảng Ngãi) với mức lương tương đối cao. “Mỗi dịp Tết đến, anh em đồng nghiệp lại mua rất nhiều tỏi Lý Sơn làm quà. Nghĩ mình sinh ra, lớn lên ở quê hương đất đảo, sau mỗi mùa thu hoạch, nông dân thường xuyên bị tư thương ép giá, tôi quyết định làm điều gì đó để giúp bà con mở hướng ra cho sản phẩm hành, tỏi”, anh nhớ lại.
Năm 2010, Định bất ngờ xin nghỉ việc rồi cùng vợ ra Đà Nẵng ở trọ, bắt đầu hành trình giới thiệu sản phẩm tỏi Lý Sơn. Nghe anh bỏ công việc ổn định, thu nhập cao để đi bán tỏi, người thân trong gia đình ra sức ngăn cản. Thoạt đầu, anh cũng hoang mang, lo lắng, nhưng rồi cũng nguôi dần.
Mỗi ngày, chàng trai trẻ rong ruổi xe máy đi khắp mọi nẻo đường, con hẻm để giới thiệu tỏi. Riết thành quen, người dân Đà Nẵng bắt đầu ưa thích dùng tỏi Lý Sơn của Định. Để mở rộng thị trường, anh còn lặn lội vào TP HCM tìm hiểu nhu cầu khách hàng suốt nhiều tháng liền, mạnh dạn đặt vấn đề với lãnh đạo hệ thống siêu thị Big C tiêu thụ thử nghiệm.
“Sau nhiều lần thuyết phục, Big C đã ký hợp đồng với tôi cung ứng hành, tỏi cho các siêu thị tại miền Trung. Ban đầu, mỗi ngày họ chỉ yêu cầu cung cấp khoảng 5-10 kg. Hai tháng sau họ tăng đơn hàng lên 500 kg mỗi ngày”, Định hạnh phúc kể.
Năm 2011, từ khoản tiền 400 triệu đồng tích góp và mượn thêm từ người thân, anh mạnh dạn mở cửa hàng kêu gọi một số sinh viên cùng làm dịch vụ cung ứng sản phẩm tỏi xứ đảo tận nơi cho khách hàng. Bên cạnh đó, Định còn đưa sản vật do ngư dân đánh bắt được ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa vào cửa hàng để giới thiệu bán cho người tiêu dùng.
Lần đầu tiên cây tỏi non được chế biến thành món kim chi phục vụ thị trường tết Ất Mùi ở TP Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín. |
Hiện, các sản phẩm mang thương hiệu “Vua tỏi Lý Sơn” do chàng kỹ sư dầu khí làm chủ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp giấy chứng nhận. Ba cửa hàng này tạo việc làm ổn định cho 14 lao động (mức lương trung bình khoảng 4,5 triệu đồng một người mỗi tháng). Từ tiền bán sản phẩm hành, tỏi và thủy sản ở các cửa hàng, hệ thống siêu thị và xuất đi nước ngoài, Định đã có doanh thu khoảng 7 tỷ đồng mỗi năm. Sau khi trừ chi phí đầu tư, trả lương cho người lao động, anh còn lãi hơn 600 triệu đồng.
Định cho biết đang dự tính mở kho tỏi lớn ở Lý Sơn để gia công tại nơi thu hoạch. Hiện anh được người dân tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ hành tỏi Lý Sơn. Thời gian gần đây, chàng kỹ sư trẻ này còn hợp tác với một số đối tác sản xuất tỏi đen từ tỏi cô đơn làm dược liệu, làm kim chi từ cây tỏi non, hành chua…
Ấn tượng trước sự năng động của chàng trai trẻ quê hương đất đảo, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Trần Văn Minh nói: “Trong lúc huyện Lý Sơn loay hoay tìm hướng đi cho sản phẩm hành, tỏi thì không ngờ Định đã mạnh dạn xây dựng thương hiệu, đưa nông sản đặc trưng của người dân quê mình tiêu thụ rộng rãi trong nước và nước ngoài. Đây là việc làm đầy ý nghĩa, đáng trân trọng”.
Ông Minh cho hay, Quảng Ngãi đang tạo điều kiện cho Định vay vốn ưu đãi tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá để sản phẩm hành, tỏi trở thành thương hiệu mạnh góp phần đầu ra, thu nhập ổn định cho nông dân huyện đảo Lý Sơn thời gian tới.
Trí Tín