Economist nhận định khủng hoảng 2008-2009 là sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử kinh tế toàn cầu trong vài thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, nếu nhìn lại 15 năm qua, thế giới sẽ rút ra được những điều nên làm và nên tránh.
Khi ấy, cũng như bây giờ, Mỹ là nước tiên phong trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Sự ra đời của Internet đã thổi bùng đột phá và mang lại hy vọng về triển vọng của nước này. Đến năm 1999, GDP Mỹ đã tăng hơn 4% mỗi năm, gần gấp đôi trung bình các nước giàu khác. Tỷ lệ thất nghiệp cũng xuống 4% – thấp nhất 30 năm. Nhà đầu tư nước ngoài ào ạt đổ tiền, đẩy chứng khoán và USD tăng mạnh. Cổ phiếu các hãng công nghệ tăng giá như vũ bão.
Trái với Mỹ, Nhật Bản lại rơi vào giảm phát năm 1997. Đức bị coi là “kẻ ốm yếu của châu Âu”, các công ty bị kiềm chế bởi thị trường lao động ngặt nghèo và chi phí cao. Các thị trường mới nổi, sau vài năm tăng trưởng mạnh, đã rơi vào khủng hoảng. Giai đoạn 1997-1999, tiền tệ các nước từ Thái Lan đến Brazil đều lao dốc khi vốn đầu tư nước ngoài ào ạt chảy ra, và nợ niêm yết bằng USD không thể trả nổi.
Kinh tế toàn cầu hiện tại đang gợi nhớ tình cảnh thập niên 90. Ảnh: Korea Herald |
Sau đó, đến lượt Mỹ cũng gặp rắc rối. Bong bóng cổ phiếu công nghệ vỡ vụn năm 2000 khiến hàng loạt mã lao dốc. Đầu tư vào doanh nghiệp, đặc biệt là công nghệ, suy giảm. Và vì chứng khoán đi xuống, khiến túi tiền của người dân ảnh hưởng, tiêu dùng cũng bị cắt giảm. Đến đầu năm 2001, Mỹ cùng nhiều quốc gia giàu có khác đã trượt vào suy thoái, dù chỉ ở cấp độ nhẹ.
Dĩ nhiên, tình hình hiện nay không hoàn toàn trùng khớp. Khác biệt lớn nhất là Trung Quốc. Năm 1999, nước này chỉ là một quốc gia không có mấy ảnh hưởng. Còn ngày nay, họ đã là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng toàn cầu.
Nhưng thế giới vẫn cần chú ý đến 3 xu hướng đã gây xáo trộn kinh tế toàn cầu khi đó, và rất có thể ảnh hưởng tương tự đến hiện tại.
Đầu tiên là khoảng cách giữa tăng trưởng kinh tế Mỹ và các nước còn lại. Hồi thập niên 90, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó – Larry Summers đã cảnh báo kinh tế toàn cầu “đang bay chỉ với một động cơ”. Các chuyên gia trong hội đồng dự báo của The Economist cũng cho biết năm 2015, Mỹ có thể tăng trưởng 3%. Trong khi đó, tốc độ này tại Nhật Bản và khu vực đồng euro là 1,1%. Còn Trung Quốc có thể xuống quanh 7%.
Người Mỹ có thể thở phào, cũng như cuối thập niên 90, khi số việc làm đang được tạo ra nhanh nhất từ năm 1999. Giá dầu giảm cũng sẽ hỗ trợ tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp cũng đang tăng lên. Tuy nhiên, tin tức này không hoàn toàn là tốt đẹp. Giá dầu giảm có thể đẩy nhiều hãng sản xuất dầu đá phiến Mỹ vào cảnh phá sản năm tới. Trong khi đó, USD mạnh và kinh tế các nước khác yếu đi sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, cũng tương tự 15 năm trước. Anh cũng có thể bị tác động mạnh bởi tình hình eurozone.
Xu hướng thứ 2 là triển vọng ảm đạm tại hai cường quốc kinh tế lớn của thế giới – Đức và Nhật Bản. Tốc độ tăng trưởng tại Đức đã xuống quanh 1% năm nay. Đây là sự bất ổn sau nhiều năm suy giảm đầu tư, chính sách năng lượng bất hợp lý, Chính phủ quá quan tâm đến mục tiêu tài khóa khi chi tiêu, và quá bị ám ảnh với viễn cảnh người dân đòi cải tổ cấu trúc như những gì cựu Thủ tướng Gerhard Schröder thực hiện năm 2003. Trong khi đó, Nhật Bản đang lặp lại sai lầm của năm 1997, vứt bỏ nỗ lực thoát giảm phát bằng tăng thuế tiêu dùng sớm.
Cuối cùng là rủi ro từ các nước đang phát triển. Khi đó, vấn đề nằm ở chỗ họ sử dụng cơ chế neo tỷ giá và phải gánh nợ nước ngoài quá lớn. Còn hiện tại, nợ đã thấp hơn, tỷ giá đã được thả nổi và phần lớn Chính phủ tích trữ được khối dự trữ lớn.
Tuy nhiên, những tín hiệu rắc rối vẫn còn, đặc biệt là tại Nga. Những nước xuất khẩu hàng hóa, như các quốc gia châu Phi, cũng vậy. Dầu mỏ chiến 95% xuất khẩu của Nigeria và 75% ngân sách nước này. Ghana đã phải viện đến sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Ở các quốc gia khác, nguy hiểm lại nằm trong lĩnh vực doanh nghiệp. Nhiều công ty Brazil đang mắc nợ lớn bằng USD. Vỡ nợ hàng loạt như trong khủng hoảng châu Á thập niên 90 có thể không xảy ra, nhưng chúng sẽ khiến nhà đầu tư lo lắng và đẩy giá USD lên.
Tổng hợp tất cả những điều này lại, năm 2015 vẫn có thể nhiều sóng gió. Những người bi quan có thể đánh cược rằng đồng đôla mạnh lên, tình hình eurozone ảm đạm, và cuộc khủng hoảng tại một vài nước mới nổi vẫn có thể đẩy Mỹ vào suy thoái. Nhưng mặt khác, thị trường chứng khoán Mỹ đã ổn định hơn nhiều so với thập niên 90. Dù nhiều hãng công nghệ lớn đang đầu tư vô tội vạ, phần lớn lại có bảng cân đối kế toán khá khỏe mạnh. Hệ thống tài chính toàn cầu cũng ít nợ hơn và ít chịu hiệu ứng domino hơn trước đây.
Dù vậy, nếu kinh tế thế giới tiếp tục chao đảo, khả năng phục hồi lần này sẽ khó khăn hơn, do các nhà hoạch định chính sách có ít lựa chọn hơn trước đây. Năm 1999, lãi suất cơ bản do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ấn định là 5%. Tức là họ có nhiều cơ hội cắt giảm khi kinh tế đi xuống. Nhưng ngày nay, lãi suất các nước giàu đều đã gần 0%.
Bối cảnh chính trị ngày nay cũng có sự khác biệt, và còn theo chiều hướng xấu. Cuối thập niên 90, hầu hết người dân các nước giàu được hưởng lợi từ bùng nổ kinh tế. Thu nhập thực trung bình của người Mỹ tăng 7,7% giai đoạn 1995-2000. Nhưng từ năm 2007, tốc độ này gần như đứng yên, thậm chí tại Anh và phần lớn khu vực eurozone còn giảm.
Tất cả người dân các nước giàu cũng đang bất mãn với Chính phủ, khi ngày càng nhiều người sẵn sàng bỏ phiếu cho các đảng đối lập. Nếu họ tiếp tục bị dồn ép năm tới, sự bất mãn này sẽ chuyển thành giận dữ. Kinh tế 2015 có thể giống với thập niên 90, nhưng chính trị có lẽ sẽ tồi tệ hơn nhiều.
Hà Thu