Sống hơn 30 năm trên phố Nguyễn Khuyến, cách chợ Cửa Nam chỉ vài bước chân, từ lâu, bà Liên vẫn có thói quen đi bộ tới mua thực phẩm tại khu chợ này. Tuy nhiên, từ khi chợ cũ bị phá cách đây vài năm, chợ mới thành hình là một tòa nhà cao tầng thì số lần ghé chợ của bà chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Thay vào đó, bà có vài lựa chọn khác là chợ cóc gần nhà, mấy gánh hàng rong hoặc phải mua sắm ở chợ Ngô Sỹ Liên, nơi xa hơn khá nhiều so với trước.
Không riêng gì bà Liên, nhiều người Hà Nội từng nhiều năm gắn bó với chợ Cửa Nam xưa, giờ cũng dần lãng quên khu chợ mới. “Thực phẩm trong chợ không còn tươi sống, phong phú như trước nữa. Không gian mua bán, chỗ gửi xe cũng thật bất tiện. Tôi đi bộ còn chẳng muốn sang, người đi xe máy, phải gửi dưới tầng hầm rồi mới lên mua vài mớ rau, lạng thịt thì đúng là chẳng ai muốn vào. Người bán cũng vì thế mà vắng dần”, bà Liên nói.
Chợ Hàng Da, Cửa Nam đều ế ẩm khách sau khi lên đời. Ảnh: NT |
Trong khu nhà bà Liên, có 3 người từng bán hàng trong chợ Cửa Nam. Khi chợ mới được xây xong, họ được phân gian hàng và đều đến đây bán nhưng chỉ một vài tháng thì đóng cửa. 2 người chuyển gian hàng sang chợ Ngô Sỹ Liên, một người khác thì ngồi bán ngay gần cổng nhà.
Tại Hà Nội, không riêng chợ Cửa Nam, sau khi chợ Hàng Da, Ô Chợ Dừa… cũng được đổi đời thành trung tâm thương mại cách đây vài năm. Những tiểu thương, người dân gắn bó nhiều năm với ngôi chợ cũ cũng phai mờ dần ký ức về những năm tháng mua bán tấp nập.
Một số chuyên gia thừa nhận việc phá chợ để xây trung tâm thương mại ở Hà Nội thời gian qua là một thất bại, để lại những bài học lớn. “Chợ truyền thống chủ yếu phục vụ nhóm khách hàng bình dân. Đặc trưng của mô hình này là nhóm các nhu yếu phẩm thiết yếu hằng ngày. Thậm chí, đó còn là nơi người dân ra ngồi để bán những thứ “của nhà trồng được”. Hơn nữa cung cách buôn bán của tiểu thương, tâm lý mua sắm của người dân khác rất nhiều so với trung tâm thương mại. Nếu không tính đến những yếu tố này thì thất bại là điều khó tránh khỏi”, một chuyên gia nhận định.
Theo Doãn Công Khánh, Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng, tại nhiều chợ truyền thống, chợ cóc bán những nhu yếu phẩm hằng ngày, khách hàng đi làm về chỉ cần dừng lại hoặc đi thẳng xe vào chợ là mua được. Trong khi đó, khi mua hàng tại các chợ kết hợp với siêu thị, trung tâm thương mại, người dân phải gửi xe, thậm chí phải gửi dưới hầm nên cảm thấy không tiện và chẳng muốn vào nữa.
Chính vì thế, một số chuyên gia đã tỏ ra lo ngại về việc tiếp tục phá chợ đi để xây trung tâm thương mại. Theo ông Khánh, khi chuyển đổi một mô hình cần xem xét, cân nhắc đến thói quen, truyền thống mua sắm của người dân chứ không phải cứ sạch, đẹp, hiện đại là hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Chợ chứa đựng những nét đẹp văn hóa, lịch sử, truyền thống không dễ dàng thay đổi hoặc từ bỏ được. Giả sử như chợ nổi ở miền Tây, không riêng người Việt mà nhiều du khách nước ngoài cũng vậy. Nếu thay đổi nó thì chắc gì người ta đã hứng thú nữa”, ông Khanh nói.
Cũng với những lý lẽ đó, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng khó có thể xóa bỏ chợ vì đó là thói quen sinh hoạt hằng ngày để giao lưu, trao đổi hàng hóa những thiết yếu và chứa đựng cả yếu tố văn hóa, truyền thống của người Việt. Chuyên gia này cũng lo ngại về việc nếu cứ theo đuổi mục tiêu xóa chợ để xây trung tâm thương mại mà không quan tâm đến hiệu quả có thể tạo điều kiện hình thành nhiều chợ cóc, tự phát, gánh hàng rong….
“Tuy nhiên, việc quy hoạch thành phố phát triển buộc chúng ta phải chấp nhận một số khu chợ được cho là ‘mảnh đất vàng’ phải được quy hoạch lại. Đối với những vị trí đắc địa, đáp ứng cả giá trị kinh tế và giá trị cảnh quan thành phố thì việc xây mới và đổi mục đích sử dụng là chính đáng, nên làm. Điều quan trọng là cần có quy hoạch khu vực kinh doanh của tiểu thương sao cho hợp lý”, ông Phương cho hay.
Còn theo ông Khánh, điều các cơ quan quản lý cần xem xét khi cải tạo chợ thành trung tâm thương mại là phải tham khảo rộng rãi ý kiến tiểu thương, người dân sinh sống quanh đó và tính toán trước tiềm năng trước khi bắt tay vào triển khai.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết hiện thành phố có 5 chợ kết hợp với trung tâm thương mại đã được đưa vào sử dụng. Ngoài ra có 2 chợ xây dựng thành trung tâm thương mại khác chuẩn bị hoạt động và 3 chợ dự định xây thành trung tâm thương mại. Tuy nhiên, phần lớn trung tâm thương mại chuyển đổi theo mô hình này không thu hút được tiểu thương và người dân, nhiều sạp hàng đã phải đóng cửa do ế khách. Nguyên nhân là chợ cóc vẫn còn hoạt động xung quanh chợ, giá cả rẻ hơn nên thu hút khách hàng. Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, theo quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, thủ đô sẽ có khoảng 1.000 siêu thị lớn nhỏ các loại, phù hợp với dân số thủ đô khoảng 10 triệu người. |
Ngọc Tuyên