Trên báo chí, còn kêu gọi quan chức trả nhà công vụ và dùng những động từ mạnh để nói về cái sự không muốn trả nhà công vụ của những người làm công vụ như “trây ỳ”, “bám trụ”… Nhớ có lần trên bàn nghị sự, Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến phát biểu khá căng về “nhà công vụ”, đại biểu này còn đề nghị nên đưa vào Luật Hình sự tội “Tham nhũng nhà công vụ”…
Mới đây câu chuyện nhà công vụ lại nóng lên sau vụ việc của ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Hóa ra vị cán bộ này có nhiều nhà quá, trong số đó cũng có 1 căn nhà công vụ mà sau khi về hưu đến 3 năm vị này mới trả lại. Việc trả lại nhà công vụ cũng chỉ được thực hiện khi có dư luận về thực hiện chế độ nhà công vụ và khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương nắm tình hình vụ việc.
Sau vụ của ông Trần Văn Truyền, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần phải làm rõ thêm nhiều “ông Trần Văn Truyền” nữa. Thực tế cũng còn nhiều cán bộ cấp cao chưa chịu trả nhà công vụ. Lý do là “không thấy ai đòi”???
Theo được hiểu nôm na thì nhà công vụ là nhà của Nhà nước giao cho cán bộ để ở trong thời gian thực hiện công vụ. Còn nếu định nghĩa theo quy định, thì Luật Nhà ở (sửa đổi) Quốc hội vừa thông qua đã quy định cụ thể đối tượng được ở nhà công vụ, và thời gian ở là khi các cán bộ giữ chức vụ.
Như thế có nghĩa là thời hạn để cán bộ được sử dụng nhà công vụ là trong thời gian đảm nhận chức vụ, hết thời gian đảm nhận chức vụ, về nghỉ hưu đương nhiên hết thời hạn sử dụng nhà công vụ. Mà hết thời hạn thì phải trả nhà. Nếu Nhà nước có không đòi thì các cán bộ cũng phải lo thu xếp mà trả chứ, cần gì phải đòi mới trả. Đằng này có một số cán bộ lại không chịu trả mà lấy lý do là “không thấy ai nói gì”. Nói thế dân họ cười cho! Trong khi vẫn có những người dân nghèo hiến đất để làm đường thì lại có những cán bộ không ở nhà công vụ mà cho con cháu ở, lại còn cho thuê, hóa giá nhà công vụ nữa thì khó ăn khó nói với dân quá.
Việc giải quyết nhà công vụ nếu không tự giác thì quả là khó cho việc quản lý nhà công vụ, vì các cán bộ được sử dụng nhà công vụ đều là cán bộ cấp cao cả, nếu đòi thì lại sợ “nhạy cảm”, sợ “động chạm”, mà nếu không thì lại vi phạm, lại không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ. Nhà công vụ chỉ có hạn, cán bộ sử dụng trước không trả thì lấy nhà đâu cho những cán bộ tiếp theo sử dụng?
Trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM sau kỳ họp Quốc hội lần thứ tám, khóa XIII, trước đề nghị của cử tri là phải coi cán bộ khi nghỉ hưu không chịu trả lại nhà công vụ là một hình thức tham nhũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Việc xây dựng và bố trí sử dụng nhà công vụ là cần thiết. Nhưng Chủ tịch nước cũng nói: “Nếu cán bộ đã có nhà ở rồi, thì cần gì ở nhà công vụ nữa. Khi đã hết nhiệm vụ công tác tại địa phương, việc phải trả lại nhà công vụ là việc đương nhiên phải làm”. Chủ tịch nước cho biết, tới đây Trung ương sẽ rà soát vấn đề này và quy rõ trách nhiệm cho cả cơ quan quản lý cán bộ và người sử dụng nhà công vụ sau khi nghỉ hưu hoặc đã luân chuyển công tác ở nơi khác.
Hy vọng là câu chuyện nhà công vụ không phải bàn đến nữa. Cứ hết thời gian đảm nhận chức vụ là trả nhà công vụ. Đơn giản thế thôi, có gì đâu!
Thanh Lê (ANTĐ)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.