10 ngày sau khi lắng nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình đất nước một năm qua và kế hoạch cho thời gian tới, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận hội trường trong vòng 3 phiên làm việc, xung quanh các vấn đề kinh tế – xã hội. Trước đó, cùng với báo cáo tổng quát được Thủ tướng trình bày, đại diện Chính phủ cho biết cơ quan điều hành đã gửi tới các đại biểu 49 báo cáo về các lĩnh vực khác nhau.
Các đại biểu sẽ dành 1,5 ngày để thảo luận các vấn đề kinh tế – xã hội. Ảnh: P.V |
Dù đã được mổ xẻ khá kỹ trong các phiên thảo luận chuyên đề trước đó, song với nhận định nợ công đang tăng nhanh được Thủ tướng đưa ra, đây vẫn sẽ là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong những giờ làm việc sắp tới. Cụ thể, tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách của Chính phủ hiện được báo cáo ở mức 14,2%, trong ngưỡng cho phép tại chiến lược Quản lý nợ công là không quá 25%. Tuy nhiên, nếu tính cả phần vay đảo nợ, con số này hiện đã ở mức 26,2% GDP.
Cùng với áp lực trả nợ, số liệu được công bố gần đây cho thấy phần dành cho chi thường xuyên của Chính phủ đang chiếm khoảng 70% chi ngân sách, trong khi số dành cho đầu tư phát triển ngày một eo hẹp. Phát biểu trong phiên họp báo thường kỳ chiều 29/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – Nguyễn Văn Nên cho biết cơ quan điều hành cũng đang tính toán lại vấn đề này, để có được cơ cấu thu chi hợp lý, hiệu quả hơn.
Bên cạnh câu chuyện nợ nần, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm đến quá trình phục hồi kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt thấp. Theo báo cáo thẩm tra, Quốc hội nhìn nhận thực tế tổng cầu vẫn suy giảm, tồn kho tăng 13,4% (cao hơn 2013), số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn (hơn 70.000 doanh nghiệp sau 9 tháng). Việc xử lý nợ xấu chậm, hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cũng là vấn đề được Quốc hội tập trung thảo luận.
Cùng với kinh tế, cử tri cả nước cũng chờ đợi Quốc hội có những thảo luận chất lượng, những câu trả lời xác đáng xung quanh những vấn đề xã hội bức thiết như đổi mới giáo dục, y tế, an toàn giao thông, quy hoạch, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn…
Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nhận định kỳ họp diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đã ổn định hơn, với một số tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, đời sống kinh tế xã hội chịu nhiều tác động từ diễn biến phức tạp tại biển Đông. Trong các phiên thảo luận lần này, chủ tọa kỳ họp cũng sẽ lần lượt mời các thành viên Chính phủ tham gia giải đáp thắc mắc của các đại biểu. Đây cũng là những phần phát biểu được dư luận hết sức chờ đợi.
Kỳ Duyên