Từ nhiều nguồn kinh phí, đến nay, tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng hàng chục chợ nông thôn, góp phần đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Chợ Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị được đưa vào sử dụng từ năm 2010. Kinh phí xây chợ gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 257 của Chính phủ “hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo”.
Nằm ở trung tâm, sát đường giao thông, chợ Gio Hải được xây dựng quy mô bề thế, bố trí gần 1 trăm hộ dân vào buôn bán. Thế nhưng, hơn 4 năm qua, chợ Gio Hải rơi vào tình trạng đìu hiu, người bán chỉ trên đầu ngón tay, người mua còn ít hơn. Nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm.
Bà Nguyễn Thị Lài, một trong số ít tiểu thương cầm cự buôn bán ở chợ cho biết: lúc đầu mới đưa vào hoạt động, nhiều người đăng ký vào chợ buôn bán, nhưng do không có người mua nên bà con đã bỏ chợ. Bà Lài nói: “Chợ xây đã xây được 5 năm, bán hàng nhiều, hàng tạp hóa, đủ các loại nhưng hàng nằm nhiều không có hàng chạy. Với lại dân nghèo, bán ế không có người mua mấy nên mấy ngày nay họ đã nghỉ không bán hàng nữa”.
Ông Trần Thanh Chương, Chủ tịch UBND xã Gio Hải, huyện Gio Linh cho rằng, chợ Gio Hải được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ việc buôn bán, trao đổi hải sản của người dân địa phương và vùng lân cận. Tuy nhiên, là xã nghèo ven biển bãi ngang, đời sống người dân xã Gio Hải đa phần còn nhiều khó khăn, nhu cầu mua sắm ít nên sức tiêu thụ hàng hóa không nhiều. Chính quyền nhiều lần vận động bà con vào chợ buôn bán nhưng rất khó khăn. Ông Chương cho biết: Hiện xã đang tập trung chủ trương khuyến khích kêu gọi các tiểu thương vào chợ để buôn bán, bằng các cơ chế giảm thuế, tạo điều kiện về mặt bằng, các chính sách kích cầu khác. Tuy nhiên chợ bước đầu sức mua mức bán chưa cao, diện tích của chợ lớn mà hoạt động bà con tư thương hạn chế”.
Tỉnh Quảng Trị hiện có gần 40 chợ nông thôn, nhưng chỉ có 10 chợ đạt chuẩn về diện tích, công năng, môi trường, hiệu quả sử dụng… Nhiều chợ ở khu vực nông thôn miền núi được đầu tư tiền tỷ nhưng bỏ hoang hoặc sử dụng không hết công năng, gây lãng phí. Đơn cử như chợ trung tâm xã Thuận, huyện miền núi Hướng Hóa, được xây dựng bằng nguồn vốn hơn 1 tỷ đồng từ Chương trình 135 của Chính phủ dành cho xã đặc biệt khó khăn.
Những tưởng đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa cho đồng bào 3 xã biên giới là Thuận, Thanh và Hướng Lập, thế nhưng gần 10 năm nay, chợ này vẫn cửa đóng then cài. Tương tự, chợ trung tâm cụm xã Tà Rụt, huyện Đakrông đầu tư tiền tỷ cũng bị hoang phế, xuống cấp...
Theo ông Quốc Hồ Hiệp Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Trị, chợ không phát huy hiệu quả do công tác chọn địa điểm chưa phù hợp, quy mô xây dựng chợ lớn hơn so với nhu cầu thực tế, chợ nằm ở khu thưa thớt dân cư, sức trao đổi hàng hóa kém.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị phê quyệt Quy hoạch phát triển thương mại Quảng Trị đến năm 2020, trong đó, đề ra mục tiêu xây mới và nâng cấp cải tạo thêm 100 chợ để đáp ứng tiêu chí về chợ nông thôn mới. Tuy nhiên, nếu không khảo sát nhu cầu và đổi mới cách quản lý mạng lưới chợ nông thôn một cách hợp lý thì tình trạng lãng phí tương tự sẽ khó tránh khỏi./.a