Hành trình long đong của dự án sân bay Long Thành

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu nghe Chính phủ báo cáo về dự án vào tuần trước. Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Kinh tế – đơn vị thẩm tra – cân nhắc việc trình Quốc hội tại kỳ họp tới với lý do thời gian trình quá gấp, khiến cơ quan thẩm tra không có đủ thời gian đánh giá kỹ lưỡng về sự cần thiết, sự phù hợp với quy hoạch hay tuân thủ quy định pháp luật.  

Nghị quyết 49 của Quốc hội về công trình trọng điểm quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư quy định chậm nhất trước 60 ngày khai mạc kỳ họp, Chính phủ phải gửi hồ sơ đến cơ quan thẩm tra. Với dự án sân bay Long Thành, ngày 1/10 Chính phủ mới trình, trong khi kỳ họp dự kiến khai mạc ngày 20 cùng tháng.

Tại báo cáo thẩm tra sơ bộ của mình, Ủy ban Kinh tế cho rằng thời gian 1-2 ngày khiến việc xem xét, kỹ lưỡng, đầy đủ các nội dung của dự án trở nên khó khăn.

long-thanh-6188-1412765327_1413427556.jp

Mô hình sân bay Long Thành Ảnh: ACV

Khi xin cơ quan quyền lực tối cao chủ trương đầu tư, Chính phủ đã bị chê gấp gáp. Thực tế, trong quá trình xem xét dự án, người đứng đầu Chính phủ lại rất khắt khe, cẩn trọng, khiến số phận dự án nhiều phen lận đận.

Minh chứng là vào tháng 4/2014, Thủ tướng đã khước từ kiến nghị của ngành giao thông về việc trình ra Quốc hội sớm hơn, ngay từ kỳ họp giữa năm. Thực tế, đề xuất báo cáo ra Quốc hội của Bộ trưởng Đinh La Thăng khi ấy cũng không phải là vội vàng bởi đã có “sự bảo đảm” của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Sau hai lần thẩm định, ngày 7/4, Hội đồng với sự tham gia của rất nhiều thứ trưởng các bộ ngành, do Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đứng đầu đã bỏ phiếu thông qua việc kiến nghị Thủ tướng xin Quốc hội chủ trương đầu tư. Vậy nhưng cùng với việc không báo cáo ra Quốc hội tại kỳ họp cuối tháng 5, Thủ tướng đồng thời yêu cầu cơ quan này “thẩm định lại” để tiếp tục báo cáo Thủ tướng xem xét trước khi trình ra kỳ họp cuối năm.

Trong hơn 3 tháng tiếp đó, để chuẩn bị cho cửa ải “tái thẩm”, chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) nhiều lần phải bổ sung báo cáo giải trình cũng như trực tiếp trả lời chất vấn của các chuyên gia độc lập lẫn thành viên hội đồng.

Báo cáo của chủ đầu tư không ít lần nhấn mạnh, việc lựa chọn vị trí quy hoạch sân bay Long Thành đã được ngành hàng không nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn hai thập kỷ trước. Và sau 12 năm đánh giá, cảng hàng không này mới chính thức được Thủ tướng phê duyệt vị trí, quy mô vào năm 2005. Còn nếu tính từ khi hình thành ý tưởng, thì Long Thành với tư cách là cảng hàng không lớn nhất nước được manh nha từ năm 1980, khi quá trình đổi mới đất nước còn chưa bắt đầu. Thời gian này, theo ngành giao thông, có sự tham gia của 37 tổ chức với tổng cộng 67 chuyên gia cả trong lẫn ngoài nước.

Lộ trình từ khi manh nha ý tưởng, qua nghiên cứu sâu dù đã kéo dài và cẩn trọng là vậy, thế nhưng, báo cáo đầu tư lần cuối của ACV một lần nữa không thể làm Hội đồng thẩm định yên lòng. Dẫu đồng tình việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là điều hết sức cần thiết, phải làm ngay nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chê rằng báo cáo này vẫn chưa thật thoát ý, chưa có tính thuyết phục cao về sự cần thiết. “Với chất lượng báo cáo đầu tư còn nhiều hạn chế thì sẽ rất khó thuyết phục được các đại biểu Quốc hội”, ông Vinh cảnh báo tại phiên thẩm định lại hôm 15/8.

Có điều, hai cú “thoát hiểm” nói trên cũng chưa thể kết thúc hành trình long đong của dự án này. Bởi cửa ải được coi là cam go nhất đến vào tháng 11 tới, khi các vị dân cử sẽ thể hiện quan điểm trên nghị trường.

Theo lịch dự kiến kỳ họp, Quốc hội sẽ có một buổi thảo luận ở tổ, cộng với nửa ngày cho ý kiến thêm ở hội trường trong tuần đầu tiên của tháng 11. Để rồi hơn 20 ngày tiếp đó, các đại biểu sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ấn nút đồng ý hoặc phản đối việc thông qua chủ trương đầu tư dự án tỷ đô trong hoàn cảnh ngân sách không lấy gì làm dư giả và đặc biệt, nợ công đã ở ngưỡng báo động, như lời Chủ tịch Quốc hội là “đang đe dọa an ninh, an toàn tài chính”.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội ngày 22/10 để xin chủ trương đầu tư vì đây là dự án trọng điểm quốc gia nên phải được Quốc hội quyết định chủ trương.

Dự án được triển khai xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích đất thu hồi lên đến 5.000ha. Dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025, với số tiền 7,8 tỷ USD sân bay này sẽ đạt công suất mỗi năm 25 triệu khách. Giai đoạn 2 theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào 10 năm sau đó, nâng công suất lên gấp đôi. Trong khi theo thiết kế, công suất tối đa sau khi hoàn tất của sân bay này đạt 80-100 triệu khách mỗi năm vào sau năm 2050, khi đó, dự kiến ngốn khoảng 18 tỷ USD

Chí Hiếu

Trả lời

0913.756.339