Bên cạnh những thành tựu đạt được, Hà Nội cũng đang phải với nhiều thách thức |
Đừng quên phát triển con người
Phát biểu tại Hội thảo “60 năm giải phóng thủ đô – thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển” ngày 3/10, TS Vũ Thúy Anh, Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng Hà Nội là một trong những địa phương luôn đi đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cả về số lượng dự án lẫn quy mô vốn đăng ký. Tuy nhiên một trong những hạn chế lớn nhất của Hà Nội về khía cạnh kinh tế trong thời gian qua là hiệu quả đầu tư còn thấp, chỉ số hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) chậm được cải thiện, tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng…
Theo TS Anh, giai đoạn 2001-2007, tỉ lệ đóng góp của yếu tố TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) vào tăng trưởng kinh tế Hà Nội ở mức khá cao, tuy nhiên sau đó giảm vào các năm gần đây. Điều này phản ánh tăng trưởng của Hà Nội chưa chú trọng đến các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu.
Việc chuyển đổi nhiều đất nông nghiệp thành đất ở, lấp nhiều ao, hồ, đất trũng để xây dựng công trình, làm mất sự cân bằng tích chứa nước của đô thị. Rồi hiện tượng bê tông hóa hầu hết diện tích mặt đất đô thị, làm giảm khả năng thấm tiêu nước mưa. Ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn ngày càng tăng…
TS Anh cho rằng, Hà Nội chưa hiểu hết ý nghĩa của chất lượng tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển bền vững, chưa xác định đúng tầm quan trọng cho việc đầu tư phát triển xã hội, phát triển con người. Việc duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, vốn và lao động giá rẻ quá lâu, trong khi mô hình này đã trở nên lạc hậu không thích hợp với xu thế mới, làm chậm đà tăng trưởng, không phát huy được thế mạnh của Hà Nội.
Dấu hỏi lớn về nhà chung cư cũ
Theo Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam PGS-TS Vũ Thị Vinh: Hà Nội còn khoảng 1.100 chung cư cũ nhưng mới chỉ xây dựng, cải tạo được 14 chung cư cũ, con số này quá khiêm tốn.
Điều đáng bàn là những nhà chung cư cũ hầu hết nằm ở các khu vực nội thành, đã xuống cấp theo thời gian làm cho bộ mặt đô thị bị ảnh hưởng. Nhiều nhà đã xuống cấp tới mức độ nguy hiểm cần xây dựng lại. Việc người dân “dùng dằng” đi hay ở, doanh nghiệp chưa mặt mà chính là nguyên nhân khiến tiến độ cải tạo chung cư cũ của Hà Nội bị chậm. Trong khi đó, nhiều người dân thờ ơ với nhà tái định cư, không thiết tha nhận nhà.
Còn Thạc sĩ Lê Thị Thu Hằng (Viện Sử học) thì cho rằng quá trình đô thị hóa ở Hà Nội đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường các huyện ngoại thành. Một bộ phận không nhỏ người dân quanh các khu công nghiệp ở các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm… luôn trong tình trạng đau đầu, ù tai, chóng mặt, mệt mỏi.
Theo nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội – GS Nguyễn Mại: Việc ứng dụng công nghệ thông tin để công khai, minh bạch các quy định liên quan đến quản lý đô thị là điều có thể thực hiện được. Ông cho rằng, đã đến lúc Hà Nội phải đề ra các chuẩn mực cao hơn về đạo đức công chức, năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ…
“Cuộc ganh đua với Thủ đô các nước theo hướng văn minh, hiện đại đòi hỏi Hà Nội phải nhận thức đúng tầm quan trọng của thể chế, một nguồn lực vô hạn có thể khai thác lâu dài nếu được bồi dưỡng thuyền xuyên” – GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Thành Nam (Infonet)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.