Đầu tuần này, hãng năng lượng Shell công bố kế hoạch dỡ bỏ Brent Delta – dàn khoan có tuổi đời gần 40 năm. Theo BBC, hãng sẽ phải mất rất nhiều thời gian để gỡ phần nổi của giàn khoan cùng rất nhiều bể chứa dầu nổi và bể dưới đáy biển. Con tàu vận chuyển giàn khoan Pieter Schelte (Thụy Sĩ) mới đây đã di chuyển từ Hàn Quốc tới Biển Bắc để thực hiện việc dỡ bỏ này. Pieter Schelte có thể nâng giàn khoan có phần nổi nặng tới 48 tấn và bể chứa 25 tấn.
Theo một báo cáo từ Hiệp hội Dầu Khí Anh, cho đến năm 2040, khoảng 475 giàn khoan ngoài khơi, 10.000 km đường ống, 5.000 giếng dầu và 15 cơ sở khai thác trên đất liền sẽ bị dỡ bỏ tại Biển Bắc. 4 năm trước, BBC từng nhận định về cơ hội kinh doanh trên “bãi phế liệu” lớn nhất thế giới và những con tàu khổng lồ sẽ được đóng để làm nhiệm vụ nâng dỡ giàn khoan.
Pieter Schelte đang tháo dỡ một giàn khoan. Ảnh: Nieuwsblad Transport |
Khi đó, chi phí gỡ bỏ ước tính là 27 tỷ bảng. Hiện nay, nó đã lên tới 37 tỷ bảng cho quá trình kéo dài tới năm 2040. Hiệp hội Dầu khí Anh (Oil & Gas UK) mới đây công bố dự báo chi phí dỡ giàn khoan sẽ tăng từ 900 triệu bảng năm ngoái lên trung bình 1,3 tỷ bảng hàng năm, từ nay cho tới hết thập kỷ. Số liệu này sẽ đạt đỉnh điểm 1,7 tỷ bảng vào năm 2016.
Dự báo này có thể thay đổi nhiều nếu hiệu quả kinh tế của các mỏ dầu kém đi. Hôm 3/2, lãnh đạo BP cho biết ông nghe nói một phần ba mỏ dầu tại Biển Bắc đang thua lỗ. BP mới đây cũng công bố kế hoạch cắt giảm mạnh chi tiêu năm 2015, giảm khoảng 2,6-4 tỷ bảng xuống dưới 14 tỷ bảng.
Đối với những hãng dầu lớn này, Biển Bắc là một trong những khu vực khai thác đã bão hòa và mang lại ít lợi nhuận. Nhằm cắt giảm chi phí, có ít nhất hai công ty đã lên kế hoạch làm việc luân phiên mỗi ba tuần thay vì hai tuần như trước đây (cứ làm hai tuần lại nghỉ hai tuần).
Và khi những mỏ dầu đang trở nên già cỗi, việc dỡ bỏ giàn khoan càng trở nên nhộn nhịp. Shell dự định sẽ dỡ bỏ và tái chế thiết bị tại một cảng ở bãi phế liệu Hartlepool. Các bãi phế liệu của Na Uy cũng đã sẵn sàng ăn chia “chiếc bánh” béo bở này.
Biển Bắc đang là nơi cho lợi nhuận thấp nhất với các hãng dầu. Ảnh: P.A |
Một số người cho rằng việc bùng nổ dỡ bỏ giàn khoan phụ thuộc vào giá dầu thấp. Nhưng điều đáng nói là giá dầu đang tăng trở lại. Sau khi giảm xuống gần 45 USD mỗi thùng, hiện giá dầu đang giao dịch ở mức trên 56 USD mỗi thùng. Giá dầu tăng trở lại do quy luật tự điều chỉnh của thị trường.
Số liệu cuối tuần trước cho thấy số giàn khoan của Mỹ đã sụt giảm kỷ lục. Điều này sẽ khiến nguồn cung giảm trong khoảng 9 tháng tới.
BP và các hãng dầu khác cũng sẽ giảm bơm tiền vào các dự án tìm kiếm khai thác và điều này cũng khiến nguồn cung giảm trong vài năm tới. Một số giàn khoan đắt đỏ sẽ bị ngừng hoạt động sớm hơn dự kiến. Nói chung, có rất nhiều lý do khiến cung dầu giảm trong tương lai. Vì vậy, giá dầu được dự đoán sẽ tăng trở lại.
Tuy nhiên, mùa đông khắc nghiệt tại Mỹ sẽ đẩy nhu cầu dầu lên cao. Nhiều kho chứa dầu cùng các bể chứa ngoài khơi đang được xây dựng để trữ dầu chờ giá tăng. Nếu giá dầu tăng lên khoảng 70 USD mỗi thùng, các giàn khoan sẽ nhanh chóng được hoạt động trở lại, do đây là mức giá hợp lý với tất cả các bên.
Thanh Tuyền