Nỗi lo về nguồn vốn trước tình hình nợ công gia tăng là điều mà các đại biểu Quốc hội băn khoăn nhất về dự án này đã được Bộ trưởng Đinh La Thăng tập trung giải trình, làm rõ trong báo cáo bổ sung sáng 29/10.
Theo đó, tổng mức đầu tư của cả 3 giai đoạn lần đầu được công bố chi tiết là 18,7 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn I (đến 2025, công suất 25 triệu khách mỗi năm) là 7,8 tỷ USD, tương đương 164.500 tỷ đồng như các báo cáo trước đây. Giai đoạn II (đến 2030, công suất 50 triệu khách) thêm 3,8 tỷ USD và giai đoạn III (công suất 100 triệu khách, năm 2050) thêm 7 tỷ USD.
Phối cảnh sân bay Long Thành (Đồng Nai). |
Trong giai đoạn đầu, báo cáo cho biết phần vốn ngân sách (sử dụng cho giải phóng mặt bằng, cơ quan quản lý nhà nước, kết nối giao thông trong cảng) là hơn 24.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng được tính lên đến 20.770 tỷ.
Tuy nhiên, báo cáo bổ sung của Chính phủ “cập nhật số liệu từ tỉnh Đồng Nai” xác định lại con số trong giải phóng mặt bằng chỉ còn 18.537 tỷ đồng. Như vậy, phần tiền dành cho mặt bằng sạch đã giảm hơn 2.200 tỷ so với dự trù ban đầu. Điều này giúp số vốn từ ngân sách sử dụng cho giai đoạn I chỉ còn hơn 21.800 tỷ đồng (giảm hơn 2.000 tỷ so với trước).
Để giảm phần vốn ngân sách phải chi chi giai đoạn Ia, Chính phủ cũng đề nghị cho phép Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV) được sử dụng tiền từ cổ phần hóa để chi trả cho giải phóng mặt bằng với con số dự kiến thu được lên đến 5.000 tỷ đồng.
Như vậy, từ chỗ ngân sách dự kiến chi 11.000 tỷ để cho mặt bằng trong giai đoạn đầu, con số này nay hạ xuống còn 6.000 tỷ đồng.
Đối với vốn ODA, báo cáo cập nhật cho biết tỷ lệ này trong giai đoạn I chiếm chỉ 29,1% tương đương 47.859 tỷ đồng. Do đó, tổng tiền đầu tư từ ngân sách và ODA trong giai đoạn I chỉ còn tương đương 70.000 tỷ, giảm mạnh so với con số 84.600 tỷ dự kiến ban đầu
Với cơ cấu vốn như trên, Chính phủ tính toán nợ công sẽ bị tác động theo hai kịch bản: Với mức vay ODA khoảng 2,279 tỷ USD (giai đoạn I) theo cơ chế Chính phủ vay và cho doanh nghiệp vay lại, tự trả nợ thì tác động lên nợ công sau năm 2022 chỉ ở mức 0,091%, còn giai đoạn 2016-2019 là “không đáng kể”.
Kịch bản 2, cộng cả phần nợ công từ ODA (2,279 tỷ USD) và ngân sách 768,9 triệu USD thì tỷ lệ tác động lên nợ công sau năm 2022 vào khoảng 0,0975%.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội vào trong phiên họp ngày 29/10 để xin chủ trương đầu tư. Theo lịch dự kiến trước đó thì ngày 28/11, Quốc hội sẽ bỏ phiếu quyết định có thông qua hay không. Tuy nhiên trước phiên khai mạc, nội dung này đã được đưa ra khỏi kỳ họp, thay vào đó chỉ tiến hành cho ý kiến. Dự án Sân bay Long Thành được triển khai xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích đất thu hồi lên đến 5.000ha. Dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn I vào năm 2025, với số tiền 7,8 tỷ USD sân bay này sẽ đạt công suất mỗi năm 25 triệu khách. Giai đoạn 2 theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào 10 năm sau đó, nâng công suất lên gấp đôi. Trong khi theo thiết kế, công suất tối đa sau khi hoàn tất của sân bay này đạt 80-100 triệu khách mỗi năm vào sau năm 2050. Khi đó, tổng kinh phí dự kiến khoảng 18 tỷ USD. |
Chí Hiếu