Giá này tương đương 30,1 triệu đồng một lượng (chưa thuế, phí). Thị trường trong nước hôm qua đóng cửa tại 35,29-35,39 triệu đồng mỗi lượng.
Theo báo cáo công bố hôm qua, Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm hơn dự kiến trong tháng 2. Tỷ lệ thất nghiệp cũng xuống đáy gần 7 năm. Việc này đã kéo USD lên và tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất vào tháng 6.
Trong phiên, có lúc giá giảm tới 30 USD – mức giảm ngày mạnh nhất từ tháng 10/2013. Kim loại quý đã có phiên mất giá thứ 5 liên tiếp và tuần giảm mạnh nhất trong vòng một tháng. Giá vàng giao tháng 4 cũng mất gần 32 USD xuống 1.164 USD một ounce.
Mỹ tăng lãi suất sẽ càng khiến đồng đôla mạnh lên, từ đó làm giảm nhu cầu các công cụ không trả lãi cố định như vàng. “Thị trường đã dựa vào các số liệu quá nhiều. Khi ngân hàng trung ương nói rằng động thái của họ còn tùy vào các báo cáo, tôi chắc chắn ý họ không phải là một loại số liệu riêng biệt nào đó, vì báo cáo việc làm thường sẽ bị điều chỉnh khá nhiều”, Frances Hudson – chiến lược gia tại Standard Life Investments nhận xét.
Đôla Mỹ mạnh lên sẽ đẩy vàng đi xuống. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cũng có tác động tương tự. “Chúng tôi vẫn cho rằng USD sẽ mạnh lên, gây áp lực lên vàng”, Deutsche Bank cho biết trong một thông báo.
Trên thị trường vật chất, giá tại sàn vàng Thượng Hải cho thấy nhu cầu tại Trung Quốc vẫn ở mức tốt. Giá tại thị trường tiêu thụ vàng lớn nhì thế giới vẫn cao hơn quốc tế 4-5 USD một ounce.
Đồng đôla mạnh và rủi ro Mỹ tăng lãi suất cũng lấn át báo cáo cho thấy số giàn khoan tại Mỹ đang giảm, đẩy giá dầu đi xuống. Dầu Brent chốt phiên hôm qua giảm 1,2% xuống 59,73 USD một thùng. Tổng cộng cả tuần, Brent đã mất 4% – mạnh nhất 2 tháng. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm tuần thứ 3 liên tiếp xuống 49,61 USD một thùng.
Hà Thu