Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trước tình hình giá xăng dầu liên tục giảm thời gian qua, đồng loạt các doanh nghiệp vận tải trên cả nước đã có sự điều chỉnh giảm giá cước vận tải trong tháng 12. Theo báo cáo của 38/63 địa phương thì giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm trung bình 0,92%-26,32% (phổ biến là mức giảm 3-10%). Trong đó, mức cao nhất thuộc về một số doanh nghiệp kinh doanh taxi ở Bình Định (26,3%), còn thấp nhất là Bắc Kạn (0,92%).
Giá cước vận tải hành khách tuyến cố định cũng giảm trung bình 3-21,7% (phổ biến giảm 5-10%). Mức giảm cao nhất này cũng rơi vào doanh nghiệp vận tải Bình Định.
Giá cước taxi ở Bình Định giảm mạnh nhất trong đợt này. |
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giảm giá cước của các doanh nghiệp có sự chênh lệch do một số nguyên nhân như đã giữ ổn định giá cước và kê khai từ năm 2011-2012 thì nay không điều chỉnh giá hoặc tỷ lệ điều chỉnh chỉ trên dưới 1%.
Còn với các đơn vị kê khai giá từ năm 2013 thì tỷ lệ giảm trên dưới 10%. Riêng đối với các đơn vị đã điều chỉnh tăng giá trong năm 2014 (giai đoạn giá xăng dầu tăng) thì tỷ lệ giảm giá sâu hơn, trên dưới 20%.
Bộ Tài Chính cho rằng mức điều chỉnh giảm giá cước của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải như trên là tương đối phù hợp với mức giảm giá của xăng dầu. Bởi theo phân tích của cơ quan này, tỷ trọng chi phí nhiên liệu bằng vận tải ôtô chiếm khoảng 25-35% giá thành với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi), 35-45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa). Với mức giảm giá xăng dầu thời điểm hiện tại khoảng 27% so với mức giá tại ngày 1/1/2014 thì giá cước vận tải giảm trung bình 3-10% là tương đối phù hợp.
Ngoài sự điều chỉnh của các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ thì trong đợt giảm giá này, các doanh nghiệp vận tải hàng không nội địa cũng sẽ giảm giá trần 15%; vận tải đường sắt giảm trung bình khoảng 10%.
Từ đầu năm tới ngày 22/12, giá xăng đã giảm tổng cộng 6.330 đồng một lít, giá dầu giảm 5.970 đồng. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Tài chính, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh vận tải ôtô và kê khai giá cước tại địa phương.
Trong đó đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, yêu cầu doanh nghiệp kê khai giảm giá cước vận tải ôtô phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu. Đối với các đơn vị chưa thực hiện, cần có văn bản yêu cầu tính toán lại giá thành và kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động của giá nhiên liệu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hưởng giảm giá nhiên liệu, sẽ xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 109/2013. Theo văn bản này, vi phạm về đăng ký, kê khai giá có thể chịu mức phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Đồng thời, số tiền chênh lệch giá do vi phạm sẽ phải nộp vào ngân sách.
Lệ Chi