Hình minh họa
Theo ông Hoàng Thọ Vinh – phó vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng, trước mắt văn bản cam kết phải có chứng thực chữ ký của UBND xã, phường…
Câu hỏi đặt ra là quy định nói trên để làm gì và có gì khác biệt trong xử lý khi vi phạm xảy ra (công trình xây dựng ảnh hưởng nhà lân cận) giữa trường hợp có cam kết và không có cam kết?
Lý giải cho sự cần thiết của quy định nói trên, ông Bùi Trung Dung – cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) – cho rằng quy định nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và tránh phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện, tranh chấp trong hoạt động xây dựng.
Ông Dung cũng cho rằng việc tranh chấp trong hoạt động xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ diễn ra phổ biến, nguyên nhân bắt nguồn từ việc khi xây dựng công trình gây ảnh hưởng tới các công trình lân cận.
Điều này dẫn tới xảy ra khiếu kiện kéo dài, trong khi các cơ quan cũng như tòa án không giải quyết tranh chấp được. Đôi khi hậu quả gây ra không nặng nề nhưng chi phí kiểm định, giám định rất tốn kém dẫn tới khó triển khai trong thực tế…
Thực tế, không có bất kỳ chủ nhà nào mong muốn việc thi công nhà mình gây ảnh hưởng đến nhà lân cận dẫn đến nhiều hệ lụy rắc rối như bị buộc phải đình chỉ công trình, khắc phục hậu quả hay nặng hơn là khiến họ phải “đáo tụng đình” vốn mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Nói cách khác, việc ảnh hưởng công trình lân cận dù với bất kỳ lý do gì hầu hết nằm ngoài mong muốn chủ quan của chủ nhà nên việc buộc phải có cam kết không đồng nghĩa chắc chắn rằng việc ảnh hưởng công trình lân cận là không thể xảy ra.
Tương tự, chắc chắn không có sự khác biệt trong xử lý khi vi phạm xảy ra giữa trường hợp chủ nhà có cam kết và không có cam kết (đảm bảo an toàn công trình lân cận). Rõ hơn, hoàn toàn không có cơ sở cho rằng việc xử lý vi phạm sẽ nặng hơn hay nhẹ hơn đối với chủ nhà có cam kết hoặc không có cam kết.
Trong xã hội thượng tôn pháp luật, mỗi công dân mặc nhiên phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và chắc chắn phải bị chế tài khi vi phạm pháp luật mà không cần thiết buộc mỗi công dân phải cam kết trước không vi phạm pháp luật (!).
Cụ thể hơn, người dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật theo nguyên tắc ai gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Người dân hoàn toàn có quyền thi công xây dựng nhà mình theo giấy phép xây dựng phù hợp các quy định của pháp luật được cơ quan có thẩm quyền cấp, trong trường hợp thi công gây thiệt hại công trình lân cận chắc chắn họ phải có nghĩa vụ bồi thường tùy mức độ, hình thức mà không phụ thuộc việc họ có hay không có cam kết trước với cơ quan chức năng.
Buộc người dân nộp bản cam kết bảo đảm an toàn công trình lân cận khi xin phép xây dựng nhà như phân tích trên là quy định có cũng được mà không có cũng chẳng sao.
Và do vậy, khi quy định như thế cũng có nghĩa là buộc người dân phải vất vả thêm với một thủ tục không cần thiết nhưng họ phải mất thời gian xin chứng thực chữ ký ở UBND xã, phường.
KTS Lê Công Sĩ (Tuổi trẻ)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.