“Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) không đáp ứng được nguồn vốn, khiến doanh nghiệp phải đi vay 800 tỷ đồng với lãi suất 21% trong vòng 6 tháng của năm 2010 để triển khai hai dự án trên”, Tổng giám đốc của Công ty CP chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) – Phan Tử Giang bày tỏ tại Hội thảo “Cơ khí trọng điểm – Những rào cản cần được tháo gỡ” diễn ra ngày 18/12.
Thành lập năm 2007, đến năm 2009 PV Shipyard bắt tay vào 2 dự án giàn khoan đầu tiên, đúng lúc Quyết định 10 về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm của Chính phủ được ban hành. “Chúng tôi đã rất hăm hở nghĩ rằng sẽ được hưởng chính sách tín dụng này”, ông Giang nói. Đến nay, thực tế cả hai dự án trị giá hơn 500 triệu USD là chế tạo giàn khoan và xây dựng căn cứ chế tạo vẫn chưa nhận được hỗ trợ vốn từ Nhà nước.
Theo lãnh đạo PV Shipyard các chính sách hỗ trợ khá chung chung, không thể triển khai trong thực tiễn. Ông cho biết, khi trình dự án cho VDB thẩm định, doanh nghiệp đã chờ đợi trong 6 tháng để sau đó nhận được cái lắc đầu của ngân hàng vì “không thể đáp ứng được vốn”. Để tháo gỡ, PV Shipyard chủ động đặt vấn đề hỗ trợ lãi suất sau đầu tư nhưng VDB yêu cầu đầu tư dự án xong mới hỗ trợ. “Loay hoay tìm đến các ngân hàng thương mại thì họ nói các phải chứng minh dự án đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất mới giải ngân được”, ông Giang kể.
Nguồn vốn cho các dự án cơ khí trọng điểm vẫn chậm được giải ngân do vướng mắc chính sách. |
Tin vào năng lực của doanh nghiệp cơ khí nội, với ông Bùi Ngọc Huyên, Giám đốc Vinaxuki, lý do cản trở sự phát triển của ngành cơ bản vẫn là chính sách. Kể lại câu chuyện về chủ trương nội địa hóa, ông cho biết trong khicác doanh nghiệp cùng lĩnh vực chỉ dám dừng ở lắp ráp xe ôtô để hưởng chính sách thuế, ông Huyên cho biết đơn vị này đã xin vay 200 tỷ đồng để để nội địa hóa và tự sản xuất 6 bộ khung xe tải lẫn xe con. Mất 3 năm chờ ý kiến, song cuối cùng các ngân hàng đều từ chối. “Niềm tin của tôi đã hoàn toàn mất”, ông bộc bạch và thừa nhận giấc mơ nội đia hóa ôtô đến nay vẫn dở dang.
Đều là những câu chuyện không mới, nhưng được hai vị lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo để thấy những khó khăn, vướng mắc của cả ngành cơ khí Việt Nam hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho biết theo Quyết định 10 về cơ chế hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp cơ khí sẽ có 24 dự án thuộc danh mục được hưởng ưu đãi. Đến nay 11 dự án được hưởng với tổng vốn đầu tư là gần 10.000 tỷ đồng, nhưng mới có 3 dự án đã được VDB đồng ý cho ký hợp đồng tín dụng trị giá 374 tỷ đồng. Tổng cộng giá trị giải ngân đến thời điểm này mới đạt trên 60 tỷ đồng tương đương 16% hợp đồng tín dụng đã ký.
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, mỗi năm giá trị sản xuất của ngành cơ khí đạt 350 tỷ USD, trong khi đó các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ đạt khoảng 39 tỷ USD. “ Rõ ràng giá trị của ngành cơ khí rất lớn nhưng chưa được sự quan tâm của nhà nước”, ông Hoài nói.
Đánh giá về vai trò của VDB trong hỗ trợ các dự án cơ khí trọng điểm thời gian qua, ông Hoài thừa nhận ngân hàng này đang nợ ngân sách 14.000 tỷ đồng. “VDB gần như chưa thể cân đối nguồn vốn, các doanh nghiệp cơ khí tiếp tục muốn vay ở ngân hàng này thì gần như khả năng bằng không. Ngay cả VDB cũng nói cộng đồng doanh nghiệp không còn hào hứng với họ”, ông khẳng định.
Do vậy, lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng cho rằng, các ngân hàng thương mại sẽ là hướng đi của dòng vốn cho doanh nghiệp cơ khí, trong đó VDB giữ vai trò cấp bù lãi suất, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.
Theo ông Huyên, sắp tới Chính phủ sẽ sửa đổi cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí, đồng nghĩa với việc nhà nước đã thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp. Nhưng lãnh đạo Vinaxuki băn khoăn, các chính sách ban hành có được thực thi hay không, chế tài thực hiện như thế nào để để doanh nghiệp tin tưởng. “Cứ như hiện nay thì doanh nghiệp mất hết lòng tin rồi”, ông chia sẻ.
Để kích cầu cho lĩnh vực cơ khí, từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Ryu Hang Ha, Tổng giám đốc Doosan Vina cho biết, Việt Nam nên duy trì chính sách bảo hộ cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước đến khi nào nhận thấy họ đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ngoài ra, đặt ra rào cản thuế quan trong việc nhập khẩu linh kiện, máy móc từ nước ngoài vào để bảo vệ thị trường trong nước.
“Tại Hàn Quốc, có nhiều quy định bất thành văn, nhưng các thành viên chính phủ đều ngầm hiểu với nhau rằng tất cả các dự án trong nước đều cần đạt tỷ lệ nội địa hóa ở mức cao nhất. Mặc dù hạn chế về kỹ thuật nhưng chỉ thuê bên ngoài hỗ trợ một phần rất nhỏ”, ông Ryu cho biết.
Với những vướng mắc về nguồn vốn, theo lãnh đạo Doosan Vina, nên áp dụng cơ chế ưu đãi về tài chính, lãi suất giá rẻ đối với chủ đầu tư có sử dụng sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đồng thời, tạo sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan có mối liên hệ mật thiết với doanh nghiệp như hải quan, thuế, ngân hàng…
Thành Tâm